214 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 36.362.961 ca nhiễm và 1.059.592 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 362.992 và 6.255 ca sau 24 giờ, trong khi 27.381.869 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 7.767.336 ca nhiễm và 216.596 người chết, tăng lần lượt 51.880 và 895 ca so với một ngày trước đó.
9 bang ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm nCoV tăng kỷ lục trong hơn một tuần qua, chủ yếu ở khu vực phía tây.
Các chuyên gia y tế Mỹ chưa xác định chính xác lý do ca nhiễm tăng mạnh, song họ chỉ ra sự mệt mỏi của người dân với các biện pháp phòng dịch, thêm rằng học sinh cũng đã quay trở lại trường học.
Hệ thống trường công ở Boston ngày 7/10 trì hoãn cho học sinh đi học trở lại thêm một tuần. Trường học tại 9 điểm nóng Covid-19 tại thành phố New York phải đóng cửa từ 6/10.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 78.809 ca nhiễm và 963 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 6.832.988 và 105.554.
Ban đầu, Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phố lớn bao gồm trung tâm tài chính Mumbai và thủ đô New Delhi, nhưng sau đó đã lây lan đến các vùng nông thôn, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều yếu kém. Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 657 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 148.228. Số người nhiễm nCoV tăng 29.741 trong 24 giờ qua, lên 5.000.694.
Chính quyền bang Sao Paulo, bang đông dân nhất Brazil, hồi đầu tháng đã yêu cầu cơ quan quản lý y tế Anvisa đăng ký sử dụng vaccine Covid-19 do công ty Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc phát triển.
Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Nga báo cáo thêm 202 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 21.865. Số ca nhiễm tăng 11.115, lên 1.248.619.
Các trường học tại thủ đô Moskva bắt đầu đợt nghỉ ngoài kế hoạch từ ngày 5/10, các doanh nghiệp được yêu cầu cho tối thiểu 30% nhân viên làm việc từ xa.
Tờ Vedomosti cho biết giới chức Nga đang xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm khắc trên toàn quốc, nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin nói chưa có kế hoạch nào như vậy vào thời điểm hiện tại.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết tình hình dịch bệnh tại thủ đô đang "trở nên thách thức và khó khăn hơn sau mỗi ngày".
"Chúng tôi đang tiến gần đến con số cao điểm của mùa xuân trong việc phát hiện các ca nhiễm Covid-19. Số người nhập viện đã vượt 1.000 trong ngày hôm nay. Con số tiếp tục tăng", ông viết trên trang blog cá nhân tối 6/10.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 685.155 ca nhiễm và 17.248 ca tử vong, tăng lần lượt 1.913 và 145 ca.
Chính phủ Nam Phi mở biên với tất cả quốc gia châu Phi từ ngày 1/10, trong khi vẫn cấm du khách từ 50 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Pháp.
Những người đi lại vì mục đích công việc, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và người thi đấu thể thao từ các quốc gia rủi ro cao được phép nhập cảnh.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 6.645 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 872.276, trong đó 32.562 người chết, tăng 76 trường hợp.
Thủ đô Madrid và 9 thành phố xung quanh từ 2/10 phong tỏa một phần trong 14 ngày. Người dân không được rời khỏi khu vực nếu không vì mục đích thiết yếu nhưng không bắt buộc phải ở nhà.
Quán bar và nhà hàng phải đóng cửa từ 23h mỗi ngày, công viên và sân chơi bị đóng cửa, chỉ cho phép tụ tập tối đa 6 người.
Số ca nhiễm mới ở Pháp cũng tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 18.746 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 653.509 ca, trong đó 32.445 người chết, tăng 80 trường hợp.
Thủ đô Paris được đặt trong trạng thái báo động Covid-19 tối đa, đồng nghĩa mọi quán bar phải đóng cửa trong vòng hai tuần kể từ ngày 6/10 và các nhà hàng phải áp dụng những biện pháp bảo đảm vệ sinh nghiêm ngặt để duy trì hoạt động.
Văn phòng Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết tình hình chưa cải thiện kể từ khi Paris ghi nhận cả ba tiêu chí kích hoạt trạng thái báo động tối đa hồi giữa tuần trước, kêu gọi các doanh nghiệp ưu tiên làm việc tại nhà và giảng đường đại học không đầy quá một nửa.
Anh ghi nhận 544.275 ca nhiễm và 42.515 ca tử vong, tăng lần lượt 14.162 và 70 trường hợp. Chính phủ Anh đã thông báo thắt chặt hơn các biện pháp giãn cách xã hội ở khu vực đông bắc đất nước, nhằm ứng phó với tỷ lệ nhiễm nCoV cao và ngày càng tăng tại đây.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 27.658 người chết, tăng 239, trong khi tổng số ca nhiễm là 483.844, tăng 4.019. Số ca nhiễm nCoV đã gia tăng ở gần như toàn bộ 31 tỉnh của Iran.
Các trường học, thư viện, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở công cộng khác ở thủ đô Tehran bắt đầu đóng cửa trong một tuần từ ngày 3/10 để ngăn các ca nhiễm ngày càng tăng cao.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 329.637 ca nhiễm và 5.925 ca tử vong, tăng lần lượt 2.825 và 60 ca.
Philippines áp các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và khu vực xung quanh đến ngày 31/10. Các thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của chính phủ cho biết họ không thể lơ là, dù muốn thúc đẩy nền kinh tế.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 315.714 ca nhiễm, tăng 4.538 so với hôm trước, trong đó 11.472 người chết, tăng 98 ca.
Chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang bị phê phán vì ưu tiên kinh tế hơn sức khỏe cộng đồng.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nước này chưa đầu tư đủ nguồn lực cho ứng phó đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, trong khi giá xét nghiệm nCoV cho cá nhân quá cao.
Tổng thống Widodo bác bỏ những chỉ trích, cho rằng tình hình Covid-19 tại Indonesia hiện nay "khá tốt".
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 27 người chết và 57.830 người nhiễm, tăng 11 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.
Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo Covid-19 có thể đã lây nhiễm cho 10% dân số thế giới và bệnh dịch sẽ tiếp tục lây lan.
"Con số này phụ thuộc từng nước, từng khu vực thành thị và nông thôn, cũng như các nhóm dân cư khác nhau. Tuy nhiên, nó cho thấy phần lớn dân số thế giới vẫn đang gặp nguy hiểm. Chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn", ông nói trong cuộc họp báo hôm 5/10.