Game di động - Kẻ giành miếng bánh quảng cáo mới ở Việt Nam

Sau đọc báo, lướt mạng xã hội và xem video, người Việt cũng chơi game di động khá nhiều, đẩy cuộc chiến quảng cáo thêm căng thẳng.
Quảng cáo trên game di động là đối thủ đang lên trong thị trường quảng cáo trực tuyến. Ảnh: Pentasia. Quảng cáo trên game di động là đối thủ đang lên trong thị trường quảng cáo trực tuyến. Ảnh: Pentasia.

Hiệp hội Mobile Marketing (MMA) và Decision Lab vừa công bố các số liệu mới nhất về trào lưu trò chơi trên điện thoại di động, hé mở một "tân binh" đáng gờm trong việc tranh giành miếng bánh quảng cáo di động tại Việt Nam.

Cụ thể, với hơn 28 triệu game thủ, phân khúc trò chơi điện thoại di động tại Việt Nam đang tăng trưởng theo cấp số nhân và dự kiến sẽ có khoảng 50 triệu người chơi vào năm 2020. Người Việt Nam tốn trung bình 51 phút để chơi game điện thoại và điều đó được lặp đi lặp lại từ 5 đến 7 lần trong mỗi ngày.

Đặc biệt, sự phổ biến của game di động trải rộng ở mọi giới tính, độ tuổi. Với tỷ  lệ 39% và 33%, độ tuổi 16 - 24 và 25 - 34 chiếm hơn 25% số người chơi. Trong khi đó, đối tượng 35 - 44 tuổi chiếm 14%. Nhóm 45 - 54 tuổi cũng chiếm 6%.

Nhà sáng lập Decision Lab - ông Aske Østergård nói rằng, trong nhiều thập kỉ, các game thủ bị hình dung là những cậu bé tuổi teen, giờ không còn chính xác. 53% bà mẹ Việt có con dưới 10 tuổi thường xuyên chơi game trên điện thoại. 

"Có hơn 55% người chơi trò chơi đã nhận thức được việc cá nhân hóa quảng cáo trên nền tảng trò chơi điện thoại và điều này đã vượt qua được sự mong đợi.” – Ông Rohit Dadwal mô tả việc người dùng đã chấp nhận của sự xuất hiện của quảng cáo trong game di động.

 Một lời mời xem video quảng cáo để được nhận thêm xu trong game. Ảnh: GameAnalytics.

Đại diện Decision Lab dự báo các quảng cáo có tặng thưởng trong game sẽ được ưu tiên hơn các quảng cáo thông thường khác. Cụ thể, 50% người chơi trên di động cảm thấy quảng cáo như vậy là hình thức quảng cáo tốt nhất.

Sự vươn lên của game di động đang khiến cho thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vốn cạnh tranh nay lại thêm gay gắt. Ở địa hạt này, các nền tảng từ báo chí đến Facebook, Google, Youtube... đang cùng chia nhau miếng bánh.

MMA cho biết Việt Nam đang là thị trường trò chơi điện thoại lớn nhất Đông Nam Á. Do vậy, các nhà quảng cáo sẽ có nhiều cơ hội để tối ưu hóa mức độ tương tác của người sử dụng và tăng tỷ suất hoàn vốn. Vấn đề ở chỗ, ai là "người giấu mặt" đang chi phối nền tảng quảng cáo trên các game di động?

Câu trả lời là Pokkt, nền tảng quảng cáo trên game di động dẫn đầu tại Ấn Độ và Đông Nam Á. Pokkt đang hợp tác với hơn 100 thương hiệu vốn quen thuộc với đời sống hàng ngày người Việt, từ hàng tiêu dùng nhanh đến đồ điện tử, công nghệ, xe máy...

"Chúng tôi đã có hơn 30 triệu người dùng hàng tháng và trong số đó, họ bỏ ra trung bình 45 phút mỗi ngày chỉ để chơi game trên điện thoại. Chúng tôi xây dựng khả năng học hỏi, nhận thức của hệ thống máy móc và cơ sở dữ liệu để thực hiện tốt hơn trong việc nhắm tới các đối tượng cho các nhà quảng cáo", ông Rohit Sharma - Nhà sáng lập kiêm CEO Pokkt tiết lộ.

Trước đó, nghiên cứu do Criteo mới công bố cho biết, trong khi truyền hình và in ấn là 2 kênh hàng đầu ở Việt Nam trong chi tiêu quảng cáo, thì quảng cáo trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 27% (CAGR) từ năm 2014 đến năm 2017. Criteo dự đoán 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến trong năm 2022.

Trong quảng cáo trực tuyến, quảng cáo trên di động đang được các chuyên gia đánh giá là triển vọng nhất. Ông David Porter - Phó chủ tịch Đa phương tiện toàn cầu Unilever châu Á, châu Phi, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gọi "Việt Nam đang làm tâm điểm của thị trường tiếp thị di động". Vị giám đốc MMA cũng đồng quan điểm.

"Truyền hình vẫn là ông hoàng và chiếm vai trò quảng cáo chủ đạo với một số ngành nhưng di động là cơ hội rất lớn. Những sản phẩm mới thường tung quảng cáo lên TV trước với 70% mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi thấy rằng, những video ngắn hơn trên di động lại hiệu quả gấp đôi. Di động không cần quảng cáo quá nhiều nhưng vẫn hiệu quả", chuyên gia này nói.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục