Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Thanh Niên ngày 18/8/2007, ông Hoàng Minh Châu, Phó chủ tịch HĐQT FPT nói rằng: "Nay, khi nhiều cổ phiếu blue-chip đã điều chỉnh về giá hợp lý để đầu tư, thì lại bị các bài phân tích phiến diện ảnh hưởng, khiến nhiều NĐT nhỏ hoang mang, mất niềm tin, bán tháo". Một cách nào đó, ông Châu ám chỉ rằng, giá cổ phiếu FPT đã bằng hay thấp hơn giá trị thật. Điều này cũng có thể đúng, dĩ nhiên tùy theo giả định và quan điểm của người định giá. Nhưng nếu như thế thì cách làm hợp lý nhất lúc này của FPT là mua cổ phiếu để đưa vào ngân quỹ. Có một thực hành hết sức cơ bản của một công ty cổ phần niêm yết đó là: trừ trường hợp quá bất đắc dĩ, công ty niêm yết thông thường sẽ phát hành thêm cổ phiếu khi giá cổ phiếu vượt qua giá trị thật (overpriced) và mua vào khi giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thật (underpriced). Những hành động như vậy có giá trị lớn hơn nhiều hàng ngàn thông tin hay những câu trả lời thông minh. Điều đáng tiếc là một số vị - vừa là thành viên HĐQT, vừa là quản lý của công ty - lại không chỉ đạo công ty mua cổ phiếu vào, trong khi đó bản thân thì lại muốn bán ra. Nghĩa là họ đang làm ngược lại với thông lệ.
Giá trị thương hiệu FPT - sở hữu của toàn bộ cổ đông FPT "gốc" - đã bị bỏ qua trong các công ty FPT "mới"
Nói một cách công bằng, FPT là thương hiệu do những nhà sáng lập đầu tiên khai sinh và phát triển. Và vì thế, họ có cảm giác "gắn bó" với nó và muốn nó phát triển hơn. Tuy vậy, khi đã cổ phần hoá thì thương hiệu FPT trở thành sở hữu của toàn bộ cổ đông FPT, kể cả cổ đông chỉ sở hữu một cổ phần. Lý do đơn giản là thị trường đã tính giá thương hiệu của FPT trong giá cổ phiếu mà cổ đông bỏ tiền ra đầu tư. Để hiểu giá trị của thương hiệu, hãy giả sử có một công ty XYZ có tài sản bằng FPT, có những dự án hiện tại và tương lai tương tự, có ban giám đốc giỏi như vậy, nhưng thương hiệu XYZ ít người biết và không nổi tiếng thì giá của nó chắc chắn là không bằng giá FPT. Thương hiệu, nhất là thương hiệu của một công ty lớn, có một giá nhất định và thuộc quyền sở hữu của toàn bộ cổ đông. Và vì vậy, khi thành lập các công ty FPT "mới", thì FPT "gốc" phải sở hữu 100% thì quyền lợi của các cổ đông FPT "gốc" mới không bị thiệt thòi. Trong trường hợp FPT "gốc" sở hữu nhỏ hơn 100% thì những người đại diện cho FPT "gốc" khi vào đàm phán, phải đòi cho được phần giá trị của thương hiệu FPT trong vốn góp của công ty mới này. Khi không định giá thương hiệu FPT vào việc góp vốn, thì rõ ràng những nhà đầu tư còn lại của công ty FPT "mới", nếu không đem lại một tài sản vô hình nào khác tương ứng để góp, đã được lợi rất nhiều. Hay nói cách khác, quyền lợi đã được chuyển từ toàn bộ các cổ đông FPT "gốc" sang các đối tác còn lại của FPT "mới".
Tóm lại, FPT bị các cổ đông nhỏ phản ứng vì hai vấn đề. Thứ nhất, họ đã không thu được tiền định giá của thương hiệu FPT trong việc góp vốn trong công ty FPT "mới". Tiền này thuộc về những cổ đông sở hữu công ty FPT gốc. Thứ hai, một số người trong HĐQT của công ty FPT gốc lại đóng vai trò đối tác "được lợi" trong các công ty FPT mới.
Hành xử đúng nhưng không hợp với quyền lợi của mọi cổ đông
Có lẽ một số vị sáng lập và đang là quản lý của FPT muốn bán cổ phiếu để chuyển sang các công ty FPT "mới" nghĩ là mình hành xử đúng. Họ có 3 lý do đúng. Thứ nhất là họ đa dạng hoá đầu tư. Thứ hai là họ làm cho tiền của mình sinh sôi nảy nở tốt hơn. Rõ ràng, ai cũng ngầm hiểu rằng, đầu tư vào các công ty FPT "mới" với giá bằng hay gần bằng với mệnh giá, lại không tính tiền góp thương hiệu FPT, có hiệu quả cao hơn đầu tư vào công ty FPT "gốc" với giá thị trường. Thứ ba là họ góp phần quảng bá, làm tăng thêm giá trị của thương hiệu FPT, đồng thời tạo ra những giá trị cộng hưởng, có tính chiến lược lâu dài. Với lý do thứ ba đó, họ đáng lẽ phải được ca ngợi đúng hơn là bị tranh cãi và bình luận.
Đây là một hành xử đúng nếu họ là người làm chủ hoàn toàn Công ty như thời gian trước đây. Vấn đề ở chỗ, FPT "gốc" nay không còn là sở hữu riêng của những nhà sáng lập, những cổ đông chính nữa. FPT đã là sở hữu của tất cả các cổ đông đang nắm giữ cổ phần. Vì vậy, mọi hành xử làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông khác, mặc dù có thể có lợi lâu dài cho Công ty, đều cần được bàn bạc, nhất trí. Nếu không, chúng sẽ bị xem là không thích hợp đối với cổ đông thiểu số.
Việc cần thiết của IR - Phòng Quan hệ với nhà đầu tư
Những việc xảy ra vừa rồi cho thấy sự quan trọng của Phòng Quan hệ với nhà đầu tư. Tác giả xin đề cập vài chức năng trong số rất nhiều chức năng của Phòng Quan hệ với nhà đầu tư:
- Đóng vai trò cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về công ty trên mọi phương tiện công cộng có thể được. Hiện nay, việc tìm số liệu của các công ty, nhất là những công ty có vốn hoá nhỏ, khá khó khăn.
- Hướng dẫn nhà đầu tư về một thị giá thích hợp của cổ phiếu của công ty (fair price). Việc hướng dẫn này thông qua việc trình bày một bức tranh tổng thể, tình hình kinh doanh trong quá khứ và những dự đoán trong 3-7 năm tới. Qua đó, nhà đầu tư có thể ước tính ra giá trị thật của công ty. Một cách nữa là phòng này sẽ thông báo rộng rãi những động thái của công ty về việc phát hành và mua cổ phiếu. Trừ những trường hợp đặc biệt, phát hành cổ phiếu ra nhiều là dấu hiệu chỉ báo cho thị trường rằng, thị giá đã bằng hay cao hơn giá trị thật, còn khi mua vào là dấu hiệu chỉ báo giá đã thấp hơn giá trị thật. Khi đó, các nhà quản lý không thể đổ lỗi các nhà đầu tư cá nhân là: "Nhiều nhà đầu tư nhỏ, mua theo phong trào - giá nào cũng mua, là một sự mạo hiểm mà không được cảnh báo trước"- như trả lời của lãnh đạo FPT trên Báo Thanh Niên ngày 18/8/2007.
- Làm cho những phát biểu của lãnh đạo có tính "tài chính" hơn. Ví dụ phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT: "Kinh doanh của FPT rất tốt nhưng giá cổ phiếu lại xuống" trong khi giao lưu trực tuyến trên VnExpress ngày 10/8/2007. Trong tài chính, nếu nói tình hình kinh doanh tốt thì phải so sánh với thông báo trước đó, so với dự đoán, so với kỳ vọng, hay so với mức giá nào. Ví dụ, nếu nhà đầu tư kỳ vọng tỷ lệ lãi suất trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 15% để mua cổ phiếu XYZ với giá A, thì nếu ROE thật là 20%, đó là một kết quả kinh doanh tốt, tốt hơn mong đợi. Ngược lại, nếu nhà đầu tư mua với giá B và kỳ vọng ROE là 40%, trong khi ROE thật sự có lên đến 30%, thì đó cũng không phải là kết quả kinh doanh tốt. Do đó, không thể nói kết quả kinh doanh tốt một cách chung chung được.
Thay cho lời kết
Công việc của những nhà điều hành một công ty niêm yết có số vốn lớn trên thị trường không còn đơn giản là đưa ra và quản lý việc thực hiện những chiến lược phát triển công ty trong thời gian dài hạn, trung hạn và ngắn hạn nữa, mà còn là việc thông tin đến toàn bộ cổ đông, những nhà đầu tư tiềm năng về tình hình toàn diện của công ty, qua đó giúp họ hiểu giá trị nội tại của công ty, những gì sắp xảy ra trong tương lai. Và quan trọng hơn, việc thông tin này phải đều đặn, có tính thời sự, có tính tương tác hai chiều, chuyên nghiệp và hết sức trung thực. Thiếu mất việc thông tin và sự tương tác này thì các cổ đông và nhà đầu tư tương lai sẽ lạc hướng và mất dần niềm tin.
Thông lệ: phát hành cổ phiếu khi thị giá cao hơn giá trị thật, mua vào khi thị giá thấp hơn giá trị thật
FPT - hành xử đúng hay sai?
(ĐTCK-online) Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về câu chuyện FPT - một DN lớn trên sàn niêm yết, liên quan đến sự xuống giá cổ phiếu Công ty cũng như việc bán cổ phiếu của một số thành viên HĐQT nhằm góp vốn vào những công ty có tên FPT khác. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu tài chính, ông Lâm Minh Chánh, MBA, đã dành cho ĐTCK một bài viết phân tích về vần đề này và theo đó, nêu lên tầm quan trọng của công tác quan hệ với nhà đầu tư của FPT, cũng như những DN niêm yết khác tại Việt Nam.