Fintech Việt vào cuộc chơi “đốt tiền” bất tận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không công bố con số cụ thể, nhưng số vốn mà các Fintech Việt nhận được từ nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như tự đầu tư đều không hề nhỏ…
Giá trị đợt gọi vốn mới đây của MoMo được cho là hơn 100 triệu USD. Ảnh: Dũng Minh Giá trị đợt gọi vốn mới đây của MoMo được cho là hơn 100 triệu USD. Ảnh: Dũng Minh

“Dân chơi” là nhà đầu tư nội

Với số dân ước tính gần 100 triệu người đến năm 2030, một bộ phận lớn người dân Việt Nam sử dụng smartphone sẽ là người dùng trẻ và am hiểu về công nghệ cao. Vấn đề là, làm thế nào để thu hút lượng khách hàng lớn này trong nỗ lực mở rộng hệ sinh thái trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp?

Ông Nguyễn Mạnh Tường, đồng Tổng giám đốc của MoMo cho rằng: “Không chỉ là mở rộng, mà cần làm khách hàng hạnh phúc”. Nhưng có lẽ phạm trù “hạnh phúc” đối với từng người khá khác nhau.

Anh Nguyễn Đức Sơn ở Đống Đa vốn là một người yêu thích công nghệ nên lựa chọn sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn trong việc sử dụng các ứng dụng của công ty Fintech. Còn lựa chọn của chị Phạm Thanh Loan ở Cầu Giấy lại khác: “Ứng dụng nào nhiều chương trình khuyến mãi, thậm chí ‘bơm’ tiền cho khách hàng là tôi sử dụng”.

Các công ty Fintech đương nhiên hiểu và chiều khách hàng hơn bất kỳ ai. Ví dụ như “gói vay siêu nhỏ” ATM Online có giá trị 900.000 đồng được thiết kế dành cho khách hàng đăng ký vay lần đầu qua ATM Online. Lãi suất áp dụng cho khoản vay là 1%/tháng theo dư nợ giảm dần, trong vòng 2 tháng. Khoản vay được giải ngân tức thời, ngay khi khách hàng được tư vấn chi tiết và đồng ý với các điều kiện của khoản vay. Điểm đáng chú ý là ATM Online triển khai chương trình 14 ngày ân hạn, áp dụng cho tất cả khách hàng lần đầu đăng ký tại ATM Online.

Theo đó, trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận được số tiền giải ngân, khách hàng có quyền cân nhắc về khoản vay của mình. Trong trường hợp thay đổi quyết định, khách hàng chỉ cần thanh toán lại đúng số tiền đã được giải ngân. Lãi suất, phí tư vấn và phí dịch vụ sẽ được miễn phí 100%. Với chương trình này, ATM Online muốn đảm bảo khách hàng cảm thấy thoải mái khi đi vay. Thời gian 14 ngày được xem như thời gian “trải nghiệm” sản phẩm.

Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc ATM Online cho biết, đối với sản phẩm mới này, ATM Online và đối tác hầu như không đặt vấn đề về lợi nhuận. Bằng cách này, ATM Online mong muốn mở rộng tối đa cơ hội tiếp cận khoản vay cho những khách hàng chưa từng có kinh nghiệm vay trực tuyến và từng bước giúp họ có những kiến thức cơ bản cũng như trải nghiệm thực tế khi đi vay.

“Điều này tạo động lực cạnh tranh giữa các công ty Fintech, khi mà phân khúc khách hàng trẻ tiềm năng ngày càng mở rộng và có hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ vay trực tuyến”, ông Hải nói.

Tuần qua, thị trường đón nhận sự kiện Be Group và VPBank giới thiệu Ngân hàng số Cake - hệ thống giải pháp ngân hàng điện tử. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hợp tác chiến lược “Nâng tầm hệ sinh thái tài chính công nghệ” nhằm hướng đến việc tối ưu nhu cầu thanh toán, tiêu dùng cho khách hàng cá nhân, tài xế, được 2 bên ký kết vào giữa tháng 5/2019.

Trong số tiện ích được tích hợp trong một ứng dụng thì chị Phạm Thanh Loan chú ý đến một cam kết quan trọng: “Miễn phí hoàn toàn khi chuyển tiền, không thu phí dịch vụ, phí quản lí, phí duy trì tài khoản, phí tin nhắn SMS…” và điều này sẽ được duy trì trong suốt hành trình với Cake.

Không đặt lợi nhuận lên trên hết, vậy tiền đâu để “khoản đãi” khách hàng? Tại Be Group, “dân chơi” gọi tên VPBank. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn tiết lộ: “VPBank đã ‘đốt’ một đống tiền cho cuộc chơi công nghệ”.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ: “Mở rộng hệ sinh thái đối tác luôn là trọng tâm mà VPBank hướng tới trong vài năm gần đây. Chúng tôi nhận định Be Group là đối tác hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nền tảng số của VPBank trong tương lai, cả về công nghệ, hình thức vận hành và đối tượng khách hàng. Việc hợp tác với Be Group trong việc ra mắt ngân hàng số lần này được ngân hàng kỳ vọng sẽ mang tới cho người dùng một sản phẩm tài chính ưu việt, phù hợp với xu thế phát triển thời đại mới.”

Nhà đầu tư ngoại “đốt đuốc” tìm khách hàng

Tại sự kiện công bố MoMo thành công trong vòng gọi vốn thứ tư từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới Series D, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhắn với báo chí: “Khi đưa tin, các bạn nhớ nhấn mạnh về vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp gọi vốn quốc tế rất thành công”.

Sự hưng phấn của ông Kiên không phải là không có lý do. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước liên quan đến đầu tư đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Fintech huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.

“Việt Nam cần phải bắt kịp, tiến cùng và lựa chọn một số lĩnh vực thế mạnh để vượt lên”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cho biết, theo một thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, Indonesia là 262 và con số này với Malaysia là 196. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 160 công ty Fintech, một con số khá khiêm tốn, nhưng MoMo là một trong những Fintech hiếm hoi có sự góp mặt các start-up tầm thế giới khi từng lọt Top 100 Fintech thế giới.

“Vì vậy, việc Momo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Fintech nói riêng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Tuy giá trị cụ thể đợt gọi vốn lần này không được Ban lãnh đạo MoMo tiết lộ, nhưng thông tin trên thị trường là trên 100 triệu USD, một con số ấn tượng trong một năm đầy biến động khi “ai ở đâu thì ở nguyên đó”.

Trong số nhà đầu tư rót vốn lần này có một số tên tuổi mới là Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, bên cạnh các cổ đông hiện hữu là Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

Nguồn vốn mới được lãnh đạo MoMo cho biết sẽ sử dụng để xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam và ra mắt “Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo MoMo” (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn MoMo.

Có lẽ, MoMo cũng đang “đốt đuốc” tìm khách hàng. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cho biết, hiện tại MoMo đã có 23 triệu khách hàng và phấn đấu đến năm 2015 có 50 triệu người dùng, tức là tăng 40 lần kể từ năm 2010.

Chia sẻ về việc gọi vốn vừa qua, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Warburg Pincus nói rằng: “Đây mới là phần đầu của chuyến hành trình”.

Lĩnh vực lĩnh vực kỹ thuật số Đông Nam Á trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025

Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 do Google, Temasek và Bain & Company công bố cuối năm 2020 cho biết, bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025, nổi bật là thương mại điện tử, giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến.

Trong đó, thanh toán kỹ thuật số tăng từ 600 tỷ USD vào năm 2019 lên 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý, giá trị thương vụ trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số (Fintech) đã nhảy vọt lên 835 triệu USD trong nửa đầu năm 2020, so với con số 475 triệu USD của cùng kỳ năm 2019.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục