Fintech tại lĩnh vực thanh toán còn nhiều đất diễn

(ĐTCK) Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cho rằng, hiện bên cạnh lĩnh vực thanh toán, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech đem đến các sản phẩm, dịch vụ mới cho ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, do thị trường thanh toán ở Việt Nam còn khá sơ khai nếu so với các nước phát triển, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vẫn còn rất nhiều đất diễn. 
Fintech tại lĩnh vực thanh toán còn nhiều đất diễn

Đánh giá của ông về Fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều chuyên gia cũng chia sẻ, ngành công nghệ tài chính đã và đang đem đến nhiều tiện lợi cho khách hàng trong thời gian qua và dự đoán sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp tới tại Việt Nam.

Sự tiến bộ không ngừng của nền tảng công nghệ trên thế giới trong vài năm qua đã làm thay đổi đáng kể cách thức xử lý và hoạt động của nhiều lĩnh vực truyền thống.

Fintech tại lĩnh vực thanh toán còn nhiều đất diễn ảnh 1

 Ông Ngô Trung Lĩnh

Tôi tin rằng, việc áp dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng không chỉ giúp cải thiện đáng kể cho ngành này nói riêng, mà sẽ còn đem đến những sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam nói chung.

Fintech được xem là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam xét theo quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhận định của ông ra sao về vấn đề này?

Tiềm năng của Fintech tại thị trường Việt Nam là khá rõ ràng, với quy mô dân số hơn 90 triệu người, phần lớn là người trẻ, 80-90% dân số sử dụng Internet; riêng năm 2016 có 14 triệu điện thoại thông minh được bán ra; hơn 200 ngàn điểm chấp nhận thanh toán POS; sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…

Ngoài ra nhu cầu thanh toán là nhu cầu cơ bản đối với mọi người trong cuộc sống hàng ngày nên việc phát triển công nghệ để mang lại cho người dùng các cách thức thanh toán dễ dàng, tiện lợi và gần gũi là một trong các mục tiêu mà Payoo hướng đến.

Tuy nhiên, việc thay đổi toàn diện cần sự tham gia của nhiều bên liên quan, cụ thể như ngân hàng, các doanh nghiệp bán hàng hóa/dịch vụ, người dân. Vấn đề này cần thời gian và sự phối hợp nhịp nhàng. Hiện tại, Payoo và các đơn vị trong lĩnh vực Fintech hay tài chính - ngân hàng đang nỗ lực cùng nhau hợp tác và đem tới những tiện ích mới cho người dân

Qua Fintech, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng của khách hàng được cải thiện ra sao và gia tăng các giá trị, tiện ích thế nào, thưa ông?

Ở Payoo, chúng tôi tập trung vào việc tìm ra các giải pháp công nghệ và cung cấp các giải pháp hoàn thiện để giúp người dùng thanh toán mọi loại hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn theo cách tiện lợi, thân thiện và ít tốn thời gian nhất.

Thông qua các sản phẩm như ví điện tử, cổng thanh toán, các điểm đặt máy POS trên diện rộng gần nơi dân sinh… khách hàng có thể linh hoạt thanh toán cho các sản phẩm, dịch vụ hàng ngày của mình với khoảng thời gian linh hoạt (24/7) và tiện lợi hơn so với các phương pháp thanh toán truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, Payoo cũng đem đến nền tảng công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ (ví dụ: các dịch vụ tiện ích như điện, nước, điện thoại, truyền hình, Internet, bảo hiểm, học phí…) có thể tiếp cận được đến các đối tượng khách hàng dễ dàng, an toàn và tiết kiệm hơn.

Theo ông, cuộc chiến Fintech trong lĩnh vực thanh toán thời gian tới liệu có quá khốc liệt?

Theo tôi, đây không phải cuộc chiến mà là cuộc chạy đua giữa các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán nhằm đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người dùng.

Lĩnh vực Fintech đang được xem là lĩnh vực rất tiềm năng nên ngày càng nhiều các nhà đầu tư tập trung vào. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời những sản phẩm, dịch vụ đột phá cho lĩnh vực thanh toán nói riêng và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói chung.

Payoo đã có sự chuẩn bị cho mình như thế nào, thưa ông?

Hiện tại hành lang pháp lý cho các hoạt động trung gian thanh toán đã khá rõ ràng. Tính đến thời điểm này đã có hơn 20 đơn vị được cấp phép chính thức từ Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh lĩnh vực thanh toán, ngày càng nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech đem đến các sản phẩm/dịch vụ mới cho ngành tài chính - ngân hàng.

Trong hơn 20 đơn vị trung gian thanh toán, mặc dù ít nhiều có sự cạnh tranh trong quá trình phát triển của từng đơn vị, tôi nhận thấy mỗi đơn vị đều có những hướng đi đặc thù riêng của mình. Bên cạnh đó, do thị trường thanh toán ở Việt Nam còn khá sơ khai nếu so với các nước phát triển, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vẫn còn rất nhiều “đất trống” để diễn. Tôi nghĩ các đơn vị đang cùng nhau góp phần đem đến những cái mới, sự tiện lợi cho người dân trong hoạt động thanh toán tại Việt Nam.

Với Payoo, chúng tôi luôn muốn hợp tác với tất cả đơn vị cung cấp các giải pháp thanh toán khác để hướng tới một mục tiêu chung là mang lại những sản phẩm/dịch vụ mới, đột phá và đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Payoo đã và đang có sự chuẩn bị nền tảng công nghệ thân thiện, giao tiếp được đa dạng phương thức thanh toán để khi thị trường đã sẵn sàng sẽ kết nối với các đối tác khi có yêu cầu. Hiện tại, Payoo cũng đã hợp tác trực tiếp với gần 30 ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán khác và hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau tại Việt Nam.

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục