Các “gã khổng lồ” liên tiếp nhập cuộc
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Ngân hàng MB đang bắt tay với Facebook triển khai thử nghiệm Facebook Payment. Như vậy, Facebook có thể sẽ là “gã khổng lồ” công nghệ tiếp theo gia nhập thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam, sau khi Samsung Pay chính thức có mặt.
Trước đó, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, Alipay - nền tảng thanh toán trực tuyến đình đám của Trung Quốc - cũng đang tìm mọi cách để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Việc ngày càng nhiều ứng dụng công nghệ thanh toán gia nhập thị trường, đặc biệt nhắm vào phân khúc thanh toán di động khiến nhiều ngân hàng không thể đứng im.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị giao dịch qua POS tăng gần 600%, doanh số thanh toán trực tuyến tại các điểm chấp nhận thẻ tăng hơn 350%...
Mới đây, Ngân hàng BDIV đã hợp tác với VNPT Media triển khai hàng loạt dịch vụ như thu hộ, cổng thanh toán và ví điện tử (BIDV - VNPT Pay). Trước đó, 6 ngân hàng, trong đó có cả Ngân hàng BIDV, cũng đã bắt tay với Samsung Pay để triển khai ứng dụng thanh toán di động này.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV khẳng định, trong thời kỳ cách mạng công nghệ số 4.0, việc kết hợp giữa một tập đoàn công nghệ thông tin, viễn thông với ngân hàng được coi là hướng đi đúng để phát huy thế mạnh của hai bên.
Thực tế, xu hướng ngân hàng và đại gia công nghệ bắt tay phát triển lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt đang rộ lên thời gian gần đây. Doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng vọt.
Đơn cử, tại Vietcombank, tổng số lượng giao dịch của các kênh thanh toán điện tử trong nửa đầu năm 2017 đạt hơn 36 triệu giao dịch, bằng 60% tổng mức của cả năm 2016. Giá trị giao dịch cũng tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài năm qua, với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 150% mỗi năm.
Đặc biệt, ngân hàng này đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để tham gia cuộc chơi thanh toán di động với hàng loạt dịch vụ thanh toán qua ví điện tử như: Momo, Payoo, Moca…
Rõ ràng, xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán di động trên toàn cầu đang lan tới Việt Nam. “Làn sóng” ngân hàng bắt tay với các tập đoàn công nghệ để triển khai các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động đang diễn ra với tốc độ mạnh mẽ, bởi không ngân hàng nào muốn chậm chân trong cuộc đua này.
Nhà đầu tư ngoại nhòm ngó
Cùng với sự gia nhập thị trường của Samsung Pay, nhiều chuyên gia ngân hàng dự đoán, thanh toán di động sẽ sớm phổ biến ở nước ta.
Thực tế, theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị giao dịch qua POS tăng gần 600%, doanh số thanh toán trực tuyến tại các điểm chấp nhận thẻ tăng hơn 350%...
Đây cũng là lý do khiến các trung gian thanh toán, các ví điện tử, các fintech… nở rộ thời gian qua. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có 5 trung gian thanh toán mới được cấp phép thành lập, bao gồm: Ngân lượng, 1pay, People Care, VNPT Media và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao.
“Cách đây 3-4 năm, nhiều ngân hàng còn khá xem thường hoặc dè chừng khi nói đến các fintech, nhưng vài năm gần đây, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng biến fintech và các ứng dụng công nghệ khác làm vũ khí để kích hoạt mảng thanh toán trực tuyến nói chung, thanh toán di động nói riêng”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay.
Ngoài xu hướng bắt tay với các fintech nội, gần đây, một số ngân hàng cũng tìm cách hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng 9/2017, Ngân hàng LienVietPostBank đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 nhà đầu tư Nhật Bản (MKI và Công ty TNHH Doreming), với mục đích phát triển giải pháp quản lý nhân sự và thanh toán lương tự động cho các doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua ví điện tử, cổng thanh toán điện tử Ví Việt.
MKI là doanh nghiệp công nghệ thông tin có hơn 50 năm kinh nghiệm của Nhật, còn Doreming là một trong 100 công ty fintech nổi bật nhất trên thế giới năm 2016 do Công ty KPMG đề cử. Với sự bắt tay này, có thể cho thấy, LienVietPostBank cũng đang tham vọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, biến cổng thanh toán Ví Việt thành một ngân hàng số.
Được biết, không chỉ MKI, Doreming, Samsung, Facebook hay Alibaba, mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng muốn nhảy vào thị trường thanh toán Việt Nam.