Đẩy nhanh phổ cập tài chính cùng Fintech

(ĐTCK) Khu vực dịch vụ tài chính Việt Nam đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường kỹ thuật số có tính kết nối cao. Đây là thời điểm chiến lược để các ngân hàng áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao khả năng phục vụ khách hàng cá nhân, các ngành công nghiệp và dịch vụ công, đồng thời gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho phần lớn dân số Việt Nam.
Bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên “vừa vặn” và thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên “vừa vặn” và thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngân hàng phải bắt kịp xu thế

Gần 70% trong số 93 triệu người dân Việt Nam vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách chính thức. Vào năm 2014, chỉ có 15% dân số mở tài khoản tiết kiệm chính thức và 18% thực hiện giao dịch vay chính thức. Đồng thời, khoảng một nửa dân số sử dụng Internet hàng ngày và trên 80% dân số sở hữu thiết bị di động.

Thực tế này đưa Việt Nam trở thành thị trường hàng đầu cho các nhà cung cấp công nghệ di động, trong đó có các công ty công nghệ tài chính (Fintech).

Đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng truyền thống phối hợp với công ty Fintech cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn vẫn chưa hoặc chưa được cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính.

Dịch vụ kỹ thuật số đang dần thay thế các phương thức truyền thống để trở thành phương thức nhận chuyển khoản và nhận lương được ưa thích, để mua hàng tại các cửa hàng và thanh toán hóa đơn tiện ích hay học phí. Kinh nghiệm ở các thị trường mới nổi khác cho thấy, quá trình số hóa có thể nhanh chóng phổ cập các giải pháp ngân hàng thay thế tới bộ phận dân số chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Chẳng hạn tại Kenya, hệ thống thanh toán di động M-Pesa tăng trưởng từ 0 lên tới 40% trong nhóm người sử dụng trưởng thành chỉ trong 3 năm kể từ khi triển khai dịch vụ. Tới cuối năm 2015, diện phổ cập dịch vụ này đã đạt con số 70%.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là những doanh nghiệp sử dụng tích cực nhất, đồng thời được hưởng lợi nhiều nhất từ dịch vụ tài chính số. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát hiện ra rằng, nền tảng thương mại điện tử và thương mại di động có thể giúp họ mở rộng đáng kể khách hàng, nhà cung cấp và cơ hội tiếp cận thị trường mới. Tất cả những điều này, trong khi giúp giảm chi phí, lại thúc đẩy hiệu quả và tăng cường kết nối kinh doanh.

Ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại IFC, tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi 

Sau những thị trường mới nổi khác ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, thương mại điện tử mới chỉ bắt đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đang có xu hướng bùng nổ. Doanh số thương mại điện tử của Việt Nam tăng 37% năm 2015 đạt 4 tỷ USD - gần 3% tổng mức bán lẻ quốc gia - và dự kiến sẽ lên tới 10 tỷ USD trong 5 năm tới.

Nhu cầu đối với các giải pháp Fintech trên thị trường thương mại điện tử đang tăng lên vì các thương gia điện tử sẽ không thể mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và khách hàng mà không có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến như các hệ thống thanh toán quốc tế.

Theo báo cáo của Topica Founder Institute, một tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đông Nam Á, khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech của Việt Nam thu hút được 129 triệu USD năm 2016, lớn hơn tổng giá trị của tất cả các lĩnh vực khởi nghiệp còn lại.

Điều này cho thấy, thị trường địa phương - với các điều kiện thuận lợi hiện tại như dân số ưa chuộng công nghệ, sự phổ cập nhanh chóng của điện thoại di động và kết nối internet chi phí thấp - đã sẵn sàng cho các giải pháp ngân hàng thay thế. Các tổ chức ngân hàng sẽ cần phải tăng cường năng lực kỹ thuật số để bắt kịp xu thế này.

Mối quan hệ cộng sinh

Hợp tác giữa Fintech và ngân hàng truyền thống hầu như đều mang tính cộng sinh. Các tổ chức tài chính có thêm và duy trì khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ thuận lợi và dễ sử dụng nhờ Fintech. Đến lượt mình, các công ty Fintech có thể tiếp cận với cơ sở khách hàng lớn và vững chắc của các ngân hàng.

Ví dụ, Yes Bank ở Ấn Độ có được hàng triệu khách hàng tiềm năng khi hợp tác với MatchMove Pay có trụ sở tại Singapore, một doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cho phép những người không có thẻ tín dụng, lịch sử tín dụng, hoặc thậm chí tài khoản ngân hàng, có thể cất trữ và chi tiêu tiền.

Thông thường, việc các ngân hàng thu hút và phục vụ khách hàng ở vùng sâu vùng xa sẽ rất tốn kém chi phí. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng và công ty Fintech có thể cộng tác nhằm đạt được lợi ích kinh tế tối đa.

Các ngân hàng có thể cung cấp vốn, hạ tầng, nền tảng khách hàng sẵn có, quản lý rủi ro và đào tạo, trong khi doanh nghiệp Fintech có thể cung cấp công nghệ mang tính hiệu quả chi phí cao, cho phép các ngân hàng vươn tới khách hàng ở những khu vực hẻo lánh.

Nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng 

Điều đáng khích lệ là Chính phủ Việt Nam nhận thức được rằng, khu vực Fintech có vai trò hết sức quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện, đưa dịch vụ ngân hàng đến với bộ phận dân số chưa được tiếp cận và đang nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty Fintech cất cánh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã công bố việc thành lập ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính để xây dựng chiến lược nhằm thúc đẩy công nghệ tài chính trong nước. Mục tiêu chính của ban chỉ đạo là đẩy nhanh phát triển các công nghệ tài chính bằng cách tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi được chính phủ hỗ trợ và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này.

Trong khi đây là một bước đi đáng mừng, các ngân hàng nên nhìn xa hơn nữa, không chỉ dừng ở các ứng dụng dành cho khách hàng đơn thuần. Fintech cũng có thể cải thiện hiệu quả giao dịch ngoại thương và các ngành công nghiệp tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đồng thời tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt thông qua đổi mới sáng tạo.

Chính phủ Việt Nam nhận thức được rằng, khu vực Fintech có vai trò hết sức quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện và đang nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty Fintech
cất cánh

Ở những thị trường đã được thiết lập vững chắc như Vương quốc Anh, Canada, Úc và Singapore, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã được xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp mới - là những doanh nghiệp không có hoặc hầu như không có kinh nghiệm trong kinh doanh và các quy định pháp luật liên quan, có nguồn lực hạn chế - hiểu rõ ảnh hưởng của những quy định pháp luật này đối với mình. Những trung tâm này cũng giúp cơ quan quản lý giám sát và có những quyết sách bám sát thực tiễn.

IFC và Nhóm Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo dựng một môi trường thuận lợi và cải thiện năng lực của khu vực ngân hàng nhằm nắm bắt được những sản phẩm và dịch vụ thanh toán tiên tiến. IFC đã đầu tư khoảng 200 triệu USD vào các công ty Fintech trong giai đoạn khởi nghiệp và giai đoạn tăng trưởng ở các thị trường mới nổi.

Nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong tương lai, nhờ sự quan tâm ngày càng tăng đến phát triển và đầu tư vào các giải pháp số trong nước, trong khu vực và trên toàn cầu. 

Vivek Pathak
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục