Kể từ khi được áp dụng vào lĩnh vực tài chính từ những năm 1980, công nghệ kỹ thuật số đã có nhiều bước tiến và mang đến những tác động tích cực lên người dùng. Chỉ trong một thập kỷ qua, các công nghệ kỹ thuật số đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, tạo ra các sản phẩm và mô hình kinh doanh hoàn toàn mới mà hiện trở nên rất phổ biến, đó là Fintech.
Làm thay đổi lĩnh vực dịch vụ tài chính
Thuật ngữ Fintech mô tả những tiến bộ trong công nghệ đã biến đổi dịch vụ tài chính bằng cách thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh, ứng dụng, quy trình và sản phẩm mới. Các giải pháp Fintech được cả các tổ chức truyền thống cũng như các mô hình kinh doanh mới ứng dụng và với cả 2 nhóm này, tác động của Fintech là rất rõ rệt, có khả năng tạo nên sự thay đổi trên thị trường.
Fintech đang chuyển đổi tất cả các khía cạnh trong ngành tài chính, từ thanh toán đến giao dịch chứng khoán, từ hoạt động cho vay đến thị trường vốn và bảo hiểm. Fintech có tiềm năng gia tăng hiệu quả của các giao dịch tài chính trên nền tảng công nghệ thanh toán mới, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính thông qua huy động vốn cộng đồng và các nền tảng cho vay thay thế, đồng thời huy động vốn để tài trợ cho phát triển kinh tế thông qua các nền tảng đầu tư kỹ thuật số.
Ông Marco Nicolì, Chuyên gia tài chính cao cấp, Ngân hàng Thế giới. |
Việt Nam có các yếu tố kinh tế, xã hội và nhân khẩu học thuận lợi làm nền tảng cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và gần đây là ứng dụng Fintech. Ba thập kỷ cải cách kinh tế theo định hướng thị trường đã hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi cơ cấu từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế hiện đại dựa trên các cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thu nhập trung bình của hộ gia đình đã tăng 4 lần trong hai thập kỷ qua.
Việt Nam hiện có dân số hiểu biết về công nghệ, với 78% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh và 70% tổng dân số sử dụng internet. Đại dịch Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy nhu cầu và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Hoạt động Fintech ở Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân và đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi lĩnh vực dịch vụ tài chính, song vẫn có thể phát triển hơn nữa. Khả năng tiếp cận công nghệ cùng với cơ cấu dân số trẻ với thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đã tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của Fintech. Từ năm 2017 đến năm 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng từ khoảng 28 công ty lên hơn 250 công ty. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Fintech của Việt Nam cũng rất mạnh mẽ.
Hệ thống và dịch vụ thanh toán, quyết toán là không thể thiếu đối với hoạt động kinh tế. Trong những thập kỷ gần đây, hệ thống thanh toán và quyết toán đã trải qua một số làn sóng cải cách ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Hệ thống thanh toán quốc gia bao gồm tất cả các hoạt động thanh toán, quyết toán và lưu ký, quy trình, cơ chế, cơ sở hạ tầng, tổ chức và người dùng trong một quốc gia hoặc một khu vực tích hợp (chẳng hạn một khu vực kinh tế chung). Hệ thống thanh toán quốc gia cũng được kết nối với nhau gọi là hệ thống thanh toán toàn cầu.
Lĩnh vực thanh toán bán lẻ đã thay đổi mạnh mẽ, trong đó sự phát triển vũ bão của công nghệ đã hỗ trợ thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Những phương thức giúp khách hàng thanh toán, gửi tiết kiệm và chuyển tiền đã phát triển đáng kể, bao gồm sự xuất hiện của thanh toán tức thời, sự ra mắt của phương tiện thanh toán mới dựa trên các công nghệ mới nổi (trong số này có blockchain - công nghệ sổ cái phân tán, từ đó cho ra đời tiền ảo, tiền điện tử) và sự phổ biến của các phương thức cũng như môi trường thúc đẩy việc ứng dụng thanh toán kỹ thuật số, chẳng hạn mã QR (phản hồi nhanh) và API (giao diện lập trình ứng dụng)…
Các dữ liệu cho thấy một bức tranh về sự tiến bộ này. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ người trưởng thành thực hiện thanh toán kỹ thuật số đã tăng từ 57% năm 2017 lên 76% vào năm 2021 (tăng gần 20%); 13% người trưởng thành ở Đông Á và Thái Bình Dương và 61% người trưởng thành ở Nam Á đã áp dụng thanh toán kỹ thuật số tại các cửa hàng vào năm 2021, đây là lần đầu tiên họ làm việc này sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc trả lương qua kênh kỹ thuật số của lĩnh vực tư nhân đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua (tăng từ 51% năm 2017 lên 73% năm 2021), nhưng vẫn có nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia.
Mang đến cơ hội phát triển thị trường vốn…
Fintech mang đến cơ hội xây dựng và phát triển thị trường vốn hơn nữa, đồng thời có thể cải thiện khả năng tiếp cận của người tiêu dùng và nhà đầu tư với nhiều loại sản phẩm, dịch vụ tài chính và giải pháp đầu tư vào thị trường vốn phù hợp với nhu cầu với mức chi phí thấp hơn. Fintech có tiềm năng tăng khả năng tiếp cận vốn và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Fintech có thể tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Các công ty Fintech có thể hướng đến mục tiêu là các nhà đầu tư không muốn hợp tác với môi giới thông qua các kênh truyền thống và cung cấp cho họ khả năng tiếp cận trực tuyến dễ dàng hơn với thị trường và các dịch vụ tư vấn. Việc sử dụng các nền tảng để hỗ trợ giao dịch các chứng khoán nợ cũng có thể góp phần tăng tính thanh khoản cho các loại chứng khoán này cũng như gia tăng nguồn vốn vay.
Fintech cung cấp cho tầng lớp trung lưu cơ hội tiếp cận dễ dàng với nhiều loại hình đầu tư. Dưới góc nhìn vĩ mô, việc tiếp cận này mang lại lợi ích từ việc huy động các khoản tiết kiệm vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Lĩnh vực quản lý quỹ có thể phát triển bằng cách triển khai các nền tảng đầu tư và phân phối, tư vấn bằng robot và các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư khác. Các nền tảng đầu tư kỹ thuật số đã giúp mở rộng thị trường quản lý đầu tư ở nhiều nơi (chẳng hạn Alipay và Taobao ở Trung Quốc, Funds Online ở Hàn Quốc, WealthMagik ở Thái Lan và Fundsupermart trên toàn khu vực).
Hình thức gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) có thể cung cấp các nguồn vốn, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Gây vốn cộng đồng là một cách thức sử dụng công cụ trực tuyến để doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác huy động tiền thông qua những khoản quyên góp hoặc đầu tư từ nhiều cá nhân, tổ chức.
Hình thức huy động vốn mới này xuất hiện một cách có tổ chức sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phần lớn là do những khó khăn mà các doanh nhân và doanh nghiệp mới phải đối mặt trong việc huy động vốn. Khi các ngân hàng truyền thống không sẵn sàng cho vay, những người làm kinh doanh bắt đầu đi tìm kiếm nguồn vốn ở nơi khác.
Các hình thức cho vay khác có thể là một cách quan trọng để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các cá nhân và các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME). Khoảng 65 triệu doanh nghiệp, hay 40% MSMEs ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển thiếu khả năng tiếp cận tín dụng.
Mặc dù các tổ chức tín dụng truyền thống vẫn là nguồn cung cấp tín dụng chính, song hình thức tài chính thay thế trên toàn cầu đã nổi lên như một công cụ giúp các MSME thu hẹp khoảng cách tài chính vốn khá lớn. Tại Việt Nam, ước tính khoảng 57% doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng tiếp cận tài chính.
Nhu cầu tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đáp ứng chiếm 12% GDP, trong khi tăng trưởng tín dụng cho nhóm doanh nghiệp này những năm gần đây chỉ ở mức thấp, khoảng 3%/năm.
Fintech mang đến cơ hội phát triển sâu rộng thị trường bảo hiểm. Khi tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam ngày càng cao, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và hiểu rõ hơn về lợi ích của bảo hiểm, nhu cầu mua bảo hiểm tư nhân có thể sẽ tăng lên. Fintech có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu này bằng cách tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng với tất cả các loại hình bảo hiểm...
Theo thời gian, Fintech cũng có thể cho phép các công ty bảo hiểm xây dựng các chính sách phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Việt Nam.
… Và những rủi ro mới
Bên cạnh những tác động tích cực, Fintech cũng đi kèm với những rủi ro mới, như được nêu rõ trong báo cáo “Fintech và tương lai của ngành tài chính” của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Việc áp dụng Fintech có thể có tác động đến thành phần tham gia thị trường. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận cân bằng vì một mặt có thể dẫn đến tình trạng tập trung thị trường và độc quyền. Mặt khác, ngay cả sự cạnh tranh từ một đối thủ mới cũng có thể làm giảm giá cả và tăng chất lượng dịch vụ.
Fintech có thể gây ra rủi ro ở khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng do tính mới mẻ và chưa định hình rõ ràng của các mô hình kinh doanh, trách nhiệm không rõ ràng của các Fintech, chênh lệch lợi ích giữa công ty Fintech và người tiêu dùng, sự thiếu hiểu biết về tài chính và những thách thức đối với việc công khai, minh bạch.
Số lượng lớn các công ty mới tham gia lĩnh vực dịch vụ tài chính đã dẫn đến một số công ty thất bại và gian lận, trong khi các cơ quan quản lý phải vật lộn để giám sát và quản lý các mô hình kinh doanh mới.
Fintech có thể giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính bằng cách cung cấp các sản phẩm mới cho những khách hàng có ít trải nghiệm về dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về tài chính có trách nhiệm là rất quan trọng để đảm bảo tính phù hợp.
Sự phát triển của Fintech ở Việt Nam thành công như thế nào sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết nhiều khía cạnh quan trọng, vốn đã được chứng minh là đóng một vai trò quan trọng để triển khai hiệu quả ở các khu vực pháp lý khác. Chìa khóa của vấn đề này là một hệ sinh thái được chính phủ hỗ trợ.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với sự phát triển của lĩnh vực Fintech. Một bước đi hiệu quả tiếp theo có thể là xem xét áp dụng quy định về một khuôn khổ quản lý Fintech thống nhất trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Các cơ quan quản lý cần tham gia với thị trường để khai thác lợi ích của Fintech và điều chỉnh các quy định, cách tiếp cận trong bối cảnh những thay đổi đang diễn ra nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Một mặt, cần khuyến khích sự đổi mới và các nhà đầu tư tham gia, mặt khác, các rủi ro đối với người tiêu dùng, tính toàn vẹn của thị trường và sự ổn định của hệ thống tài chính cần được giải quyết một cách hiệu quả. Để đạt được sự cân bằng này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền đối với vấn đề đổi mới tài chính và phát triển Fintech phải phối hợp và hợp tác một cách nhất quán, hiệu quả.
Với sự hỗ trợ bởi các quy định pháp lý, các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cần tiếp tục cải thiện thiết kế sản phẩm, kênh phân phối và tích hợp các dịch vụ để thúc đẩy sự chấp nhận của người dùng. Cùng với đó, khu vực tư nhân và Nhà nước cũng cần nỗ lực để nâng cao hiểu biết về tài chính, công nghệ của người dân và các bên liên quan.