Du lịch nội địa khởi sắc thúc đẩy thanh toán trả sau tại cửa hàng chiếm ưu thế. Đánh giá của ông về nhu cầu thanh toán trả sau trong nửa cuối năm 2022 khi dịch bệnh dần kiểm soát, du lịch ấm dần và nhu cầu hàng không gia tăng, nhất là vào các dịp lễ, tết cuối năm như thế nào?
Theo số liệu thống kê, dù khối lượng giao dịch trả sau trung bình 2 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với tháng 12/2021 và hơn 80% so với tháng 11/2021, nhưng giá trị giao dịch lại tăng lần lượt gấp 3 lần và gấp 6 lần, nhờ động lực chính từ nhóm vé máy bay.
Theo nhận định chủ quan của Payoo, du lịch cuối năm nay có thể bùng nổ, bởi dịch bệnh giảm, kinh tế - xã hội đã phục hồi khả quan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh đang có xu hướng cải thiện hơn ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã khống chế thành công dịch bệnh. Sự sẵn sàng của vắc-xin và thuốc men điều trị cũng khiến ảnh hướng của Covid-19 không còn nghiêm trọng như những năm trước. Chính phủ cũng đã chính thức mở cửa du lịch và chào đón khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022.
Về phía người dân, nhu cầu được du lịch đang tăng cao sau khoảng thời gian dài ở yên một chỗ. Theo quan sát thị trường và số liệu của Payoo, các dịch vụ ăn uống, mua sắm đang dần nhộn nhịp trở lại, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng, kéo theo nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ về lĩnh vực tour, vé máy bay.
Là đơn vị trung gian thanh toán, Payoo có những sản phẩm rất phù hợp cho cả khách hàng và doanh nghiệp, bao gồm hầu hết các hình thức thanh toán như thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử. Đặc biệt, hình thức thanh toán sau tại cửa hàng đang có xu hướng tăng nhanh vì phù hợp nhất với đặc thù của ngành du lịch.
Khách hàng có thể đặt vé, giữ chỗ trước để tận dụng các chương trình ưu đãi có giới hạn thời gian, sau đó sử dụng mã đặt chỗ được cung cấp đến cửa hàng liên kết như CircleK, GS25, FPTShop, FamilyMart,
Ministop…, truy cập website hoặc ứng dụng Payoo để thanh toán sau. Với doanh nghiệp, giải pháp thanh toán của Payoo giúp họ tiếp cận nguồn khách hàng đa dạng hơn. Bất kỳ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán nào từ truyền thống đến hiện đại đều có thể thanh toán được.
Dịch Covid-19 đã tạo ra một cú huých cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Với Payoo, đó là cơ hội?
Trong 2 năm qua, để đối phó những rào cản do đại dịch gây ra, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tiếp cận khách hàng bằng cách áp dụng chuyển đổi số.
Chúng ta có thể nhận thấy xu hướng thương mại điện tử nở rộ, các doanh nghiệp ưa chuộng các phương thức thanh toán online, thanh toán từ xa, tạo nên sự chuyển dịch nhanh chóng so với các năm trước đó.
Cũng do những giới hạn của đại dịch, người dân từ chỗ buộc phải sử dụng, dần dà cảm thấy thuận tiện và quen thuộc với phương thức thanh toán mới. Doanh nghiệp thì đa dạng hóa được kênh bán hàng, vững vàng hơn khi vận hành trên thị trường và sẵn sàng đón nhận những thách thức trong tương lai.
Khi làn sóng sẵn sàng chuyển dịch diễn ra và liên tục lan tỏa đến các doanh nghiệp khác thì đây là cơ hội không chỉ cho Payoo, mà cho cả các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển đổi số nói chung.
Khi làn sóng sẵn sàng chuyển dịch diễn ra và liên tục lan tỏa đến các doanh nghiệp khác, thì đây là cơ hội không chỉ cho Payoo, mà cho cả các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và chuyển đổi số nói chung.
Với Payoo, từ khi thành lập năm 2008 đến nay, đã kiên định với con đường hiện đại hóa ngành thanh toán, đưa ra những phương thức tự động hóa giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Trong số rất nhiều nhà cung cấp hiện có trên thị trường, Payoo vẫn có những điểm nổi bật để xác lập vị thế riêng.
Lĩnh vực thanh toán có tính cập nhật liên tục. Payoo tự hào là đơn vị có tuổi đời lâu năm, nhiều kinh nghiệm và đội ngũ kỹ thuật giỏi và sáng tạo, liên tục cải tiến và cập nhật phương thức mới nhất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí.
Kết nối với Payoo, doanh nghiệp có thể chấp nhận mọi thanh toán trên cả nền tảng trực tiếp và trực tuyến như thẻ nội địa, thẻ quốc tế, internet banking, QR code qua 11 ví điện tử, 33 ứng dụng ngân hàng, evoucher… Payoo cũng hỗ trợ doanh nghiệp vận hành nhiều hình thức thanh toán linh hoạt như thanh toán trả góp, thanh toán từ xa, thanh toán trả sau, thanh toán tạm giữ…
Các doanh nghiệp có thể lựa chọn kết nối với nhiều đơn vị khác nhau, tuy nhiên luồng quản lý sẽ rời rạc, phải tương tác đồng thời với nhiều hệ thống khác nhau. Với Payoo, chỉ kết nối một lần duy nhất, doanh nghiệp đã có tất cả các phương thức thanh toán hiện có, thậm chí được tiếp cận nhanh nhất với các phương thức mới trên thế giới khi chúng được triển khai tại Việt Nam.
Ông từng chia sẻ, tính sẵn sàng tiếp cận cái mới của người Việt Nam rất cao, điều này thể hiện thông qua số người có điện thoại di động và kết nối internet khắp nơi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vẫn còn một khoảng cách rất lớn trong việc tiếp cận công nghệ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Số lượng người có tài khoản ngân hàng vẫn thấp... Đây có phải là dư địa lớn cho các Fintech phát triển?
Thị trường Fintech Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Với quy mô 90 triệu dân và lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt còn rất lớn, đặc biệt ở khu vực vùng xa, nông thôn, dư địa cho tài chính công nghệ phát triển là rất dồi dào. Cơ hội là vậy, nhưng vẫn tồn tại những thách thức đi kèm.
Tại sao ngân hàng không đầu tư về nông thôn? Bởi hiệu suất đầu tư so với lợi nhuận có được của họ không cân bằng, vì nhu cầu ở nông thôn không nhiều như ở thành thị. Do vậy, các đơn vị Fintech phải khéo léo và phải nhận biết đâu là nhu cầu thật của những đối tượng khách hàng mới, đặc biệt là khách hàng nông thôn, tạo ra các dịch vụ phù hợp với họ và cần lưu ý đến các chi phí tốn kém trong việc cung cấp và vận hành dịch vụ.
Để phát triển trong môi trường mới như ở nông thôn, cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan như nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ, chứ không chỉ riêng các đơn vị Fintech. Tuy nhiên, rào cản cũng sẽ lớn, đó là sự sẵn sàng trở thành công dân số, kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng tài chính của người dân nông thôn còn hạn chế, phải cần nhiều thời gian để bồi đắp và thay đổi nhận thức của họ.
Dịch Covid-19 đã tạo ra một cú huých cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. |
Gần đây, Chính phủ đã đẩy mạnh hành lang pháp lý, cho phép các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech phát triển, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Vậy theo ông, khó khăn và rào cản lớn nhất đối với các Fintech hiện nay là gì?
Fintech là lĩnh vực lai ghép giữa công nghệ và tài chính. Công nghệ đại diện cho sự nhanh, mới, hiện đại nên áp lực thị trường và nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi họ chuyển mình rất nhanh. Tuy vậy, tài chính lại rất truyền thống, đòi hỏi tính an toàn, chắc chắn cao vì liên quan đến tiền bạc.
Fintech một mặt vừa phải phát triển một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp xu hướng thay đổi liên tục của xã hội, mặt khác, chúng ta phải thừa nhận rằng, tính an ninh, an toàn, đảm bảo, đúng đắn cần được quan tâm đầy đủ. Thời gian qua, lĩnh vực Fintech ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc xây dựng và cập nhật hành lang pháp lý, tạo những khuôn khổ để doanh nghiệp trong ngành phát triển.
Trong khi Chính phủ thường có những góc nhìn an toàn, cẩn trọng trong hoạch định các chính sách về tài chính, thì các doanh nghiệp được cho là có góc nhìn mạo hiểm hơn. Theo Payoo, để phá vỡ rào cản cần sự thông hiểu của 2 phía, đề xuất đầu tiên là tích cực đối thoại thông qua hội thảo chuyên môn, diễn đàn, quan sát thị trường thế giới, học tập những quốc gia lân cận và các quốc gia phát triển để đưa ra giải pháp phù hợp với thị trường.
Về phía các đơn vị Fintech cũng cần đồng hành với Chính phủ để đưa ra những đề xuất phù hợp.
Thời gian gần đây, có thể nhận thấy rõ ràng sự năng động của Chính phủ trong việc giao tiếp với doanh nghiệp. Bản thân Payoo đã nhận được nhiều văn bản của Chính phủ đề nghị góp ý cho các vấn đề pháp lý, chính sách. Payoo hy vọng rằng, những hoạt động này tiếp tục được tăng cường hơn nữa, có những diễn đàn thực tế, đa dạng và thường xuyên hơn nữa.
Fintech là một phần trong sự phát triển kinh tế số, tạo ra dòng chảy về thanh toán điện tử và giúp ngành ngân hàng chuyển dịch thanh toán nhanh hơn. Để ngành Fintech phát triển, cần sự đồng bộ của các bên liên quan.
Đề xuất thứ hai của Payoo là Chính phủ đóng vai trò là cầu nối, tạo các sân chơi để doanh nghiệp Fintech cùng mạnh dạn kết hợp và đưa ra những giải pháp tốt hơn, ăn ý hơn để cuối cùng người dân được hưởng các dịch vụ hiện đại, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và hoạt động hiệu quả, thị trường cùng nhau phát triển đồng bộ và toàn diện.
Thị trường tài chính đang chờ cú huých từ Mobile Money, song ví điện tử sẽ bị cạnh tranh khốc liệt, thưa ông?
Như đã nói ở trên, thị trường Fintech Việt Nam còn sơ khai dù có quãng thời gian tăng trưởng rất tốt gần chục năm qua. Gia tốc ngày càng tăng dần, các doanh nghiệp dẫn đầu ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng quy mô thị trường là rất lớn. Mobile Money và ví điện tử phủ ở những phân khúc khác nhau dù có những đoạn giao thoa nhất định.
Khi Chính phủ cùng hỗ trợ Mobile Money và ví điện tử là đang hướng tới các nhóm người dùng khác nhau, hai bên ở thế bổ trợ nhau, chứ không phải đối đầu. Thị trường có sự cạnh tranh nhất định, nhưng cạnh tranh để cùng nhau phát triển, mang lại độ phủ tốt hơn cho thị trường, giúp thị trường kinh tế số phát triển đầy đủ và toàn diện hơn.
Là trung gian thanh toán, Payoo ủng hộ Mobile Money được thí điểm trong thời gian qua, song hành với các doanh nghiệp đã và đang phát triển, tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ đầy đủ để cuối cùng khách hàng và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo lần 2 Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định hoạt động Fintech là hoạt động mới có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech.
Một số loại rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động Fintech được tổng kết thời điểm này bao gồm: (i) Rủi ro lạm dụng thị trường (Market abuse); (ii) Rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu (Security and data breach); (iii) Rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng (Liquidity and Credit risk) (iv) Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT); (v) Rủi ro chi phí trung gian cao (High intermediary fee); (vi) Rủi ro không minh bạch (Lack of transparency); (vii) Rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp.
Dự thảo Nghị định đã đề ra một số chính sách quản lý rủi ro thông qua việc: (i) Quy định về trách nhiệm của các tổ chức tham gia thử nghiệm trong xây dựng khung quản lý rủi ro đầy đủ, bảo vệ người sử dụng dịch vụ; (ii) Quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo của các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm Fintech; (iii) Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, đánh giá Hồ sơ đăng ký thử nghiệm triển khai; quyết định việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận thử nghiệm, Giấy chứng nhận hoàn thành thử nghiệm; kiểm tra, giám sát Cơ chế thử nghiệm Fintech. Các quy định nhằm đảm bảo quá trình thử nghiệm luôn được các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát sát sao và các tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay cả khi áp dụng các chính sách, biện pháp trên việc kiểm soát, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm là điều không thể. Cốt lõi Cơ chế thử nghiệm Fintech được thiết kế để nhận diện, đánh giá rủi ro, lợi ích đối với từng giải pháp Fintech và duy trì, kiểm soát rủi ro (nếu có) ở mức độ cho phép.