FedEx thâu tóm TNT Express dễ hơn dự kiến

(ĐTCK) Ngày 7/4/2015, FedEx, tập đoàn phát chuyển nhanh lớn thứ hai thế giới của Mỹ đã chính thức thông báo đạt được thoả thuận mua lại TNT Express của Hà Lan, với giá 4,4 tỷ euro (4,8 tỷ USD). Động thái này góp phần gia tăng đáng kể thị phần của FedEx tại thị trường châu Âu, nơi FedEx bị coi là “lép vế” nhất so với các đối thủ trực tiếp.
Ông Frederick W. Smith Ông Frederick W. Smith

Theo số liệu thống kê của Reuter, FedEx hiện chỉ nắm 5% thị phần tại thị trường châu Âu, thấp hơn nhiều so với con số 19% của DHL (thuộc Deutsche Post của Đức), 15% của TNT Express và 10% của United Parcel Service (UPS). Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, vào tháng 1/2013, UPS, đối thủ lớn nhất của FedEx tại thị trường Mỹ đã thất bại trong vụ thâu tóm TNT Express dù chào mua với giá cao hơn là 5,2 tỷ euro do không vượt qua rào cản về mặt pháp lý về chống độc quyền của chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Nay, FedEx nhảy vào cuộc mua được TNT Express với giá rẻ hơn nhiều và điều quan trọng là hoàn toàn không vướng về mặt pháp lý liên quan đến độc quyền. Bởi trên giấy tờ, thị phần của FedEx ở thị trường châu Âu (sau khi đã thâu tóm TNT Express) cũng chỉ ngang ngửa với DHL.

Ông Frederick W. Smith, 70 tuổi, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành (CEO) FedEx, đồng thời cũng chính là người sáng lập FedEx (vào tháng 6/1971) cho biết, việc đàm phán thương vụ này diễn ra khá suôn sẻ chỉ trong vòng vài tuần qua, sau khi các điều khoản sơ bộ của thoả thuận đều được các cổ đông lớn hai bên đồng ý. Điều rất thuận là, ngay từ đầu, PostNL, cổ đông chính của TNT Express (sở hữu 14,7% cổ phần) đã chấp thuận nhượng lại số cổ phần này.

Theo xếp hạng mới nhất của Tạp chí kinh doanh Forbes (Mỹ), với tổng tài sản trị giá 3,8 tỷ USD, ông Frederick Smith hiện là tỷ phú thứ 435 thế giới.

Được biết, vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này được trả hoàn toàn bằng tiền mặt (tính ra 1 cổ phiếu của TNT Express có giá 8 euro, trong khi trên thị trường chứng khoán, có giá chỉ hơn 7 euro) và sẽ hoàn tất mọi thủ tục vào đầu năm 2016.

“Đồng USD tăng giá mạnh so với đồng euro, tình hình kinh tế ở nhiều quốc gia châu Âu được cải thiện là hai lý do chính khiến FedEx đẩy nhanh tiến trình mua lại TNT Express. Thương vụ mang tính chiến lược này sẽ mang lại giá trị đáng kể cho các cổ đông, nhân viên và khách hàng của FedEx trên toàn thế giới. Thương vụ này cho phép chúng tôi nhanh chóng mở rộng ra quốc tế, nhằm tận dụng các xu thế thị trường", ông Frederick Smith nói.

Trong hợp đồng được ký có điều khoản, nếu 1 trong hai bên đơn phương phá vỡ thoả thuận, thì sẽ phải trả khoản tiền phạt trị giá 200 triệu euro.

Một chi tiết nữa khiến cho thương vụ này thêm phần chắc ăn là, hai tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn của Mỹ là JPMorgan Chase và Goldman Sachs đã đứng đằng sau thương vụ này. JPMorgan Chase tư vấn về tài chính cho FedEx, trong khi Goldman Sachs cung cấp dịch vụ cho TNT Express.

Phản ứng của giới đầu tư với thương vụ này cũng khá thuận, khi giá cổ phiếu của cả hai đều tăng ngay sau khi thông tin về thương vụ được loan báo. Trong  phiên giao dịch ngày 8/4, tại Sở GDCK New York (Mỹ), giá cổ phiếu của FedEx tăng 2,69%, lên 171,16 USD/cổ phiếu, trong khi giá của TNT Express tại Sở GDCK Amsterdam (Hà Lan) tăng mạnh hơn nhiều, tới 28,13% lên 7,69 euro/cổ phiếu.

Được thành lập năm 1946, có trụ sở chính tại Hoofddorp, gần Amsterdam (Hà Lan), TNT Express hiện có 65.000 nhân viên hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và có vai trò hàng đầu trong mạng lưới chuyển phát nhanh bằng đường bộ ở châu Âu. Năm 2014, TNT Express có doanh thu hơn 6,7 tỷ euro.

FedEx sinh sau để muộn hơn nhiều (ra đời tháng 6/1971), có trụ sở chính tại TP. Memphis (bang Tennessee, Mỹ). FedEx hiện có hơn 350.000 nhân viên làm việc tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, sở hữu hơn 630 máy bay và 47.000 ô tô các loại, vận chuyển hơn 3,9 triệu bưu kiện mỗi ngày. Doanh thu năm 2014 của FedEx đạt 45,6 tỷ USD.

Xét về mọi phương diện, FedEx đều lớn hơn TNT Express rất nhiều. Điều đáng chú ý nữa là, cả FedEx lẫn TNT Express đều có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, sau thương vụ M&A này, thị trường chuyển phát nhanh trên thế giới chỉ còn lại 3 ông lớn là FedEx, DHL và UPS, tạo ra thế “kiềng ba chân” khá vững, nên khó lòng còn có M&A nào nữa.

Có thể nói, tuần này được coi là tuần sôi động về M&A trên thế giới, khi chỉ trong vòng 3 ngày đầu tuần (từ ngày 6 đến 8/4) đã có tới vài vụ có trị giá nhiều tỷ USD. Đáng kể nhất là vụ Tập đoàn Dầu khí Shell (Anh - Hà Lan) mua lại BG Group (Anh) với giá 47 tỷ bảng Anh (69,7 tỷ USD)  và Tập đoàn Y tế UnitedHealth Group Inc (Mỹ) mua lại Catamaran Corp. cũng của Mỹ, với giá 12 tỷ USD.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục