Như vậy, mối lo bầu cử giữa kỳ đã qua với Tổng thống Mỹ Trump và vị lãnh đạo này sẽ chuyển trọng tâm sang cuộc bầu cử kế tiếp, đồng nghĩa với việc sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các chính sách tăng trưởng kinh tế.
Trong 2 năm tới, ông Trump thể hiện rõ quyết tâm sẽ đưa tăng trưởng GDP Mỹ lên mức hơn 3% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất lịch sử. Trong bối cảnh này, điều khiến nhà đầu tư lo ngại nhất vẫn là những động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thông thường, giới đầu tư sẽ chứng kiến các chỉ số chứng khoán đi lên khi thông tin kinh tế tích cực được công bố. Nhưng hiện nay, thông tin tốt khiến Phố Wall sợ hãi.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang chịu tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một vấn đề khiến tình hình có thể tệ hơn với doanh nghiệp chính là lãi suất.
Năm 2019, thị trường dự báo sẽ chỉ có 2 lần Fed nâng lãi suất, nhưng cơ quan này vừa đưa ra những tín hiệu cho thấy, mức lãi suất bình thường mà Fed hướng tới là 3%/năm (lãi suất liên ngân hàng qua đêm). Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có ít nhất 4, thậm chí 5 lần nâng lãi suất từ mức hiện tại (vào khoảng 2 – 2,25%/năm).
Các thành viên thị trường tin rằng, Fed sẽ thay đổi ý định bám sát lộ trình bình thường hóa lãi suất nếu nền kinh tế tỏ ra yếu hơn trước áp lực từ cuộc chiến tranh thương mại và thị trường chứng khoán lao dốc khoảng 10% trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi vào đầu tháng 11, số liệu việc làm được công bố với những con số rất tích cực.
Cụ thể, trong quý III, tăng trưởng tiền lương đạt 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh so với mức chỉ 2,5% đầu năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất gần 50 năm qua.
Các con số này phần nào thể hiện nền kinh tế không chịu áp lực quá lớn bởi chiến tranh thương mại và Fed sẽ có thêm cơ sở để quyết tâm đẩy mạnh lộ trình nâng lãi suất. Tuy nhiên, với Phố Wall, các số liệu này cho thấy, tăng trưởng tiền lương cao có thể ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, trong khi chi phí lãi suất lại đang tăng lên.
Nếu lãi suất tăng thêm 100 điểm cơ bản, điều nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm tiếp theo, thì chi phí đi vay của doanh nghiệp sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2017. Diễn biến này sẽ ăn mòn lợi nhuận, hoặc buộc giá cả sản phẩm đi lên, tác động tới lạm phát.
Đáng chú ý, tình hình có thể tệ hơn khi các doanh nghiệp Mỹ đang sở hữu khối nợ kỷ lục và đa phần số này sẽ đến hạn trong 5 năm tới. Để dễ tượng tưởng, vào năm 2009, chỉ 32% các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng BBB.
Ngày nay, con số này là 50%. Nếu cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo diễn ra, giới đầu tư có thể tưởng tượng được viễn cảnh không ít công ty lớn lao đao vì nợ và nguy cơ phá sản hiện hữu.
Năm 2018, có khoảng 400 tỷ USD các khoản nợ doanh nghiệp sẽ đến hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng lên, các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn để xoay xở trả nợ.
Tuy nhiên, điều cần chú ý là con số trong 3 năm tiếp theo còn cao hơn rất nhiều. Theo đó, năm 2019, 2020 và 2021 sẽ có lần lượt 560 tỷ USD, 1.000 tỷ USD và gần 1.100 tỷ USD nợ doanh nghiệp đến hạn.
Với mức lãi suất hiện tại, chi phí đi vay của doanh nghiệp đã cao hơn 2,2 lần so với năm 2017. Trong khi đó, lộ trình nâng lãi suất của Fed vẫn chưa dừng lại.
Theo các chuyên gia, nếu lãi suất tăng thêm 100 điểm cơ bản, điều nhiều khả năng sẽ xảy ra trong năm tiếp theo, thì chi phí đi vay của doanh nghiệp sẽ cao gấp 3 lần so với năm 2017. Diễn biến này sẽ ăn mòn lợi nhuận, hoặc buộc giá cả sản phẩm đi lên, tác động tới lạm phát. Đây cũng là viễn cảnh mà giới đầu tư không hề mong muốn.