Giới đầu tư phản ứng tích cực với kết quả bầu cử Mỹ

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ có phiên khởi sắc hôm thứ Tư sau khi có kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ với sự chia rẽ quyền lực trong Quốc hội Mỹ.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Đúng như dự đoán, theo kết quả kiểm phiếu, Đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump bảo toàn quyền kiểm soát Thượng viện. Sau khi có kết quả bầu cử, giới đầu tư trên thị trường phố Wall đã có phản ứng tích cực, bởi theo giới phân tích, sự chia rẽ quyền lực tại Quốc hội tốt cho thị trường.

Dù việc mất quyền kiểm soát Hạ viện sẽ khiến các chương trình nghị sự của Tổng thống Trump gặp khó khăn, trong đó có chính sách giảm thuế, nhưng giới đầu tư không kỳ vọng chính sách này, cũng như các chính sách trước đó được ông Trump đưa ra bị hủy bỏ.

Trong phiên thứ Tư, nhóm cổ phiếu công nghệ và y tế khởi sắc giúp 3 chỉ số chính của phố Wall có phiên tăng mạnh hơn 2%. Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall giảm 3,55 điểm, xuống 16,36 điểm - mức thấp nhất khoảng 1 tháng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu một cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày vào thứ Tư. Tại cuộc họp này, dự kiến Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, nhưng khả năng tăng trong tháng 12 sẽ rất cao.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones tăng 545,29 điểm (+2,13%), lên 26.180,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,44 điểm (+2,12%), lên 2.813,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 197,79 điểm (+2,64%), lên 7.570,75 điểm.

Tương tự, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu cũng phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ khi không có bất ngờ nào xảy ra. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Tư còn đến từ sự hỗ trợ từ bởi quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố như Scout24, Ahold và Vestas, nhưng chứng khoán Đức tăng khiêm tốn hơn do ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu Adidas khi công ty sản xuất đồ thể thao này cắt giảm mục tiêu kinh doanh sau khi giảm doanh thu ở thị trường Tây Âu.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 76,60 điểm (+1,09%), lên 7.117,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 94,76 điểm (+0,83%), lên 11.579,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 62,76 điểm (+1,24%), lên 5.137,94 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhà đầu tư vẫn tiếp tục giữ tâm lý thận trọng dù kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ đúng như dự đoán trước đó. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm nhẹ, chứng khoán Trung Quốc cũng giảm do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh đáng thất vọng của một số doanh nghiệp lớn vừa công bố, còn chứng khoán Hồng Kông đóng cửa gần như không đổi.

Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 61,95 điểm (-0,28%), xuống 22.085,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 18,01 điểm (-0,68%), xuống 2.641,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 26,73 điểm (+0,10%), lên 26.147,69 điểm.

Trên thị trường vàng, giá vàng trong phiên Á và Âu hồi phục khá tốt, lên ngưỡng 1.234 USD/ounce sau khi kết quả cuộc bầu cử giữa kỹ Quốc hội Mỹ đúng như dự đoán. Tuy nhiên, bước vào cuối phiên Âu và phiên Mỹ, giá vàng hạ nhiệt khi chứng khoán khởi sắc và tiếp tục có phiên giảm nhẹ thứ tư liên tiếp.

Kết thúc phiên 7/11, giá vàng giao ngay giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.226,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,4 USD/ounce (+0,20%), lên 1.228,7 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm sau khi dữ liệu từ Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng trong tuần trước khi sản lượng khai thác của Mỹ đạt mức kỷ lục, làm tăng thêm lo ngại về dư cung.

Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,66 USD (-1,06%), xuống 61,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,13 USD (-0,18%), xuống 72,00 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục