Fed tăng lãi suất và câu chuyện tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng đối với tỷ giá, đặc biệt trong nửa đầu năm 2023.
Chưa có manh mối Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất Chưa có manh mối Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất

Nếu tỷ giá tiếp tục tăng…

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2/2023 thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25%/năm, lên 4,5 - 4,75%/năm. Trước đó, tháng 12/2022, Fed tăng lãi suất ở mức 0,5%/năm, sau khi có 4 lần tăng ở mức 0,75%/năm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: “Số liệu 3 tháng qua cho thấy, tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm. Nhưng dù các diễn biến này khá lạc quan, chúng tôi vẫn cần thêm bằng chứng để tự tin rằng, lạm phát đang giảm bền vững”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ đưa ra tín hiệu sớm kết thúc quá trình tăng lãi suất, nhưng các phát biểu tại buổi họp báo sau đó chưa có manh mối nào.

Đánh giá chung về động thái tăng lãi suất của Fed tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam, ông Hiếu phân tích, khi Fed tăng lãi suất sẽ đẩy giá trị của đồng USD lên, điều này thể hiện qua chỉ số USD Index. Giá trị USD tăng lên sẽ đẩy giá trị đồng Việt Nam (VND) xuống, làm tăng tỷ giá của VND với USD, tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối.

“Nếu tỷ giá tiếp tục tăng, không chỉ tác động đến thị trường ngoại hối, mà còn là câu chuyện buôn lậu, mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, hàng nhập khẩu phải mua với tỷ giá cao hơn làm tăng giá trị rổ hàng hóa khiến tăng lạm phát... Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán có một tương quan nghịch giữa lãi suất và giá chứng khoán, đó là lãi suất tăng lên thì giá chứng khoán bị đẩy xuống và ngược lại”, ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, khi giá trị đồng Việt Nam suy giảm cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài “chạy” qua những thị trường truyền thống khác có giá trị cao hơn, ví dụ những thị trường được định giá bằng USD, bởi an toàn và giá trị cao hơn. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 11/2022 đến nay thu hút vốn ngoại, nhưng trước đó thường xuyên chứng kiến nhà đầu tư nước ngoài rút ròng.

“Fed tăng lãi suất sẽ làm chậm sự phát triển của nền kinh tế (Mỹ), nên tôi hy vọng cơ quan này sẽ sớm dừng động thái tăng lãi suất, có thể nửa sau năm 2023, khi kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 5%”, ông Hiếu nói.

Diễn biến thực tế cho thấy, đồng USD năm 2022 tăng lên mức cao nhất 20 năm đã tạo áp lực rất lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước đang phát triển và những nước mới nổi. Trong bối cảnh USD trở thành hầm trú ẩn cho các nhà đầu tư, dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường này khiến dự trữ ngoại hối của các nước sụt giảm gần 10.000 tỷ USD trong năm vừa qua.

Nếu hy sinh tỷ giá, để tỷ giá tăng cao, đồng nội tệ mất giá nhiều thì sẽ giữ được lãi suất, giữ được dự trữ ngoại hối. Nhưng ngược lại, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tỷ giá tăng nhanh và mạnh sẽ nhập khẩu lạm phát, từ đó không kiểm soát được lạm phát, ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô.

Cần cải thiện dự trữ ngoại hối

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán khoảng 20% dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư thực hiện cho biết, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng 5% trong năm 2021, tăng gần 5% trong năm 2022 và dự báo tăng 3,6 - 4,5% trong năm 2023. Mức tăng năm 2022 tương đương khoảng 1 tỷ USD, đạt gần 19 tỷ USD, giúp Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc Top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều chuyên gia phân tích có chung nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên cải thiện dự trữ ngoại hối, nâng trở lại mức 100 tỷ USD vào cuối năm 2023, do năm 2022, cơ quan này đã phải bán khoảng 20% dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,3 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, từ mức 89 tỷ USD cuối năm 2022.

Các chuyên gia của VNDIRECT dự báo, việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời có khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1 - 2%.

Dự trữ ngoại hối được VNDIRECT kỳ vọng phục hồi nhờ tỷ giá ổn định hơn, thặng dư thương mại cao và tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư. Cụ thể, công ty chứng khoán này dự báo, thặng dư thương mại năm 2023 có thể đạt 13,4 tỷ USD, tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2022; tài khoản vãng lai có thể thặng dư ở mức 1,4% GDP.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho VND. Dự báo, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục biến động; biên độ giao dịch rộng hơn sẽ giúp tỷ giá hối đoái được linh hoạt hơn.

Đáng chú ý, sự hồi phục gần đây của đồng nhân dân tệ (CNY) có thể sẽ dẫn đến VND tăng giá do mối tương quan chặt chẽ, khiến Ngân hàng điều chỉnh dự báo tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn. Báo cáo mới đây của Standard Chartered dự báo, tỷ giá USD/VND ở mức 23.200 vào cuối quý I/2023 (so với mức 24.000 trong báo cáo trước đó) và 23.500 vào giữa năm 2023 (so với mức 23.800 trong báo cáo trước đó) và 23.400 vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, chỉ số USD Index khó giảm sâu xuống dưới 100 điểm, thậm chí tăng trở lại trong bối cảnh Fed có thể tăng lãi suất chính sách thêm 0,5 - 0,75%/năm trong nửa đầu năm 2023. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng đối với tỷ giá, nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Phân tích Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh, FiinRatings nhận định: “Fed đã nâng lãi suất trong đầu năm 2023 và có thể tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cao trong suốt cả năm, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục giữ ở mức như hiện tại trong cả năm, làm tăng chi phí vốn, ảnh hưởng biên lãi thuần nói riêng và lợi nhuận ngân hàng nói chung”.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục