Mọi chuyện thay đổi vào phút chót
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, có một biến động rất lớn trong năm 2022 và nằm ngoài dự tính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đó là câu chuyện kinh tế Việt Nam chịu tác động rất mạnh của kinh tế Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022, mỗi lần tăng lãi suất là giá trị USD tăng theo, đồng nghĩa với việc đẩy giá trị VND đi xuống, hay nói cách khác, tỷ giá USD/VND tăng rất mạnh, nhất là vào những tháng cuối năm.
“NHNN đã tăng lãi suất VND 2 lần nhằm tăng giá trị tiền đồng để cân bằng thị trường ngoại hối, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn rất cao so với đầu năm. NHNN cũng đã sử dụng công cụ dự trữ quốc gia, nhưng không thể bán mãi ngoại tệ nên nhà quản lý đã điều chỉnh tăng biên độ giao dịch từ 3-5%. Theo đó, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại”, ông Hiếu nói, đồng thời cho rằng, chính sách tín dụng cũng chịu bị động nhất định mà nguyên nhân chính xuất phát từ yếu tố bên ngoài là việc điều hành chính sách tiền tệ của Fed, bên cạnh yếu tố nội tại là ảnh hưởng từ những đại án FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…
“Ý chí chủ quan của NHNN là chống lạm phát, không muốn mở thêm tín dụng, giới hạn cung tiền để nền kinh tế không bị ‘hâm nóng’. Tuy nhiên, dưới nhiều áp lực, mọi chuyện phải thay đổi vào phút chót”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài những yếu tố trên, chính sách lãi suất còn chịu tác động của nợ xấu tăng. Ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, các ngân hàng được phép tái cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ của khách hàng, nhưng khi quy định này hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022, nợ xấu đã bật tăng và khiến dòng vốn tắc nghẽn. Các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả nợ cho khách hàng nên buộc phải tăng lãi suất lên. Những vấn đề này chưa thể giải quyết dứt điểm trong năm 2022, mà phải kéo dài sang những tháng đầu năm 2023.
Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm giảm tỷ giá tham chiếu nhanh hơn.
“Năm 2023 có thể tích cực hơn năm 2022 nếu cuộc xung đột tại Ukraine kết thúc, tình hình kinh tế thế giới ổn định trở lại, các lệnh cấm vận được giảm thiểu, thị trường năng lượng, khí đốt, xuất nhập khẩu… quay trở lại bình thường. Trường hợp lạm phát tại Mỹ được kiểm soát thì đến giữa năm 2023, Fed có thể sẽ ngừng tăng lãi suất và trở lại mức bình thường như trước dịch. Điều này sẽ tác động tích cực lên kinh tế toàn cầu, bao gồm cả kinh tế Việt Nam”, ông Hiếu phân tích, đồng thời đưa ra dự báo, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam sẽ ổn định hơn từ nửa sau của năm 2023. Bên cạnh đó, nếu vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, NHNN có thể tăng tỷ lệ lên đến 17%.
“Tất nhiên, cơ quan điều hành vẫn nên thận trọng trong việc tăng trưởng tín dụng, bởi tăng cao quá có thể ‘hâm nóng’ nền kinh tế, từ đó đưa đến rủi ro về lạm phát”, ông Hiếu lưu ý.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong những tháng đầu năm 2023, áp lực tăng lãi suất, tỷ giá vẫn khá lớn khi Fed dự định tăng lãi suất thêm ít nhất 125 điểm cơ bản, chưa kể bài kiểm tra năng lực thanh toán cho khoản trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn vẫn còn đó.
Tuy nhiên, áp lực này phần nào được giải tỏa từ giữa năm 2023 khi kết hợp giữa 2 xu hướng Fed “bớt diều hâu” và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, cũng như lãi suất có xu hướng giảm dần. Tín dụng cũng sẽ tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm, trước khi khởi sắc hơn trong nửa cuối năm và cả năm 2023 sẽ ở mức 11-12%.
Cần phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khóa
Theo ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), bối cảnh kinh tế toàn cầu không chắc chắn và có nhiều rủi ro hiện nay đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vào thế khó trong việc cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi kinh tế với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới. Mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.
“Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, bao gồm giảm tỷ giá tham chiếu nhanh hơn. Với áp lực tỷ giá hối đoái dai dẳng, việc bán ngoại tệ trực tiếp có thể được sử dụng rất thận trọng để duy trì dự trữ ngoại hối”, ông Andrea Coppola nói và cho biết thêm, trong trường hợp trượt giá nhanh hơn dẫn đến lạm phát gia tăng đáng kể, NHNN có thể xem xét sử dụng lại lãi suất tham chiếu, nhưng dư địa áp dụng chính sách này không nhiều vì lãi suất đã neo ở mức cao. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ hạn chế tối đa việc lãi suất tăng.
“Các cơ quan chức năng có thể xem xét hạn chế chi tiêu công, đồng thời ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là những dự án tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng”, ông Andrea Coppola nhấn mạnh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN cho biết, mặc dù có thể khẳng định đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của năm 2022, nhưng số liệu lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản so với cùng kỳ vẫn đang có xu hướng tăng từ tháng 1 đến tháng 11 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam đối diện với thách thức khi kinh tế thế giới giảm tốc và một số thị trường chính có khả năng rơi vào suy thoái.
“Để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN tiếp tục điều hành theo hướng ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, NHNN sẽ phải điều hành hợp lý và đồng bộ cả lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường và kinh tế vĩ mô. Trong những hoàn cảnh khó khăn, có thể phải có mục tiêu ưu tiên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, ổn định tâm lý người gửi tiền”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, cung ứng vốn cho nền kinh tế đến từ 3 nguồn: Tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán và đầu tư, bao gồm cả đầu tư công. Theo đó, chính sách tiền tệ cần tiếp tục đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và chính sách vĩ mô khác, bởi sự liên thông của thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bất động sản là rất rõ ràng.
“Tín dụng ngân hàng cố gắng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế luôn ở mức cao, nhưng khả năng cung ứng tín dụng phụ thuộc vào huy động vốn và đảm bảo chất lượng tín dụng. Thị trường vốn phát triển sẽ giúp giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng. Hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư công được đẩy mạnh sẽ giúp tăng thanh khoản, giảm bớt sức ép lên hệ thống ngân hàng. Đổi lại, khi thị trường tiền tệ ổn định sẽ tạo điều kiện tích cực cho việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán và Chính phủ qua kênh phát hành trái phiếu”, ông Hà cho hay.