Nhấn mạnh tới tính cấp thiết cần hành động, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động tới tính mạng và hoạt động kinh doanh có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II ở mức yếu và khó có thể chống đỡ trong thời gian dài hơn nếu tác động kéo dài. Điều này khiến vai trò của các chính sách tiền tệ trở nên rõ ràng hơn nhằm tạo bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Fed đã sử dụng những vũ khí “hạng nặng” nhất của mình, bao gồm việc hạ lãi suất xuống còn từ 0 – 0,25%, tương đương với mức thấp kỷ lục vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 và duy trì cho tới tháng 12/2015.
Diễn biến lãi suất qua các năm
Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Mỹ còn thông báo thêm một số hành động, bao gồm việc cho phép các nhà băng có thêm các chiết khấu với thời hạn kéo dài tới 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Chưa hết, Fed sẽ kết hợp với 5 ngân hàng trung ương khác để giữ vững thanh khoản USD thông qua các hợp đồng ngoại hối.
Ông Powell chia sẻ thêm, Fed chưa nghĩ tới chuyện áp dụng lãi suất âm, điều mà châu Âu và Nhật Bản đang áp dụng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã “tấn công” Fed bởi không chịu hạ lãi suất thấp hơn và can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngay lập tức đã thể hiện sự vui mừng trước động thái này.
“Hành động của Fed khiến tôi rất hài lòng và mong muốn cổ vũ ngân hàng trung ương. Đây là bước đi lớn và tôi rất vui mừng họ đã hành động”, ông Trump cho biết.
Hành động khẩn cấp của Fed là bằng chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bị tác động mạnh bởi dịc Covid19. Đây là lý do trái phiếu Mỹ tăng, trong khi chứng khoán đi xuống, báo hiệu thêm một tuần giao dịch đầy hoảng sợ của giới đầu tư.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết sẽ đẩy cuộc họp chính sách lên ngày 16/3, thay vì cuối tuần như dự kiến.