Fed: Chính sách thuế quan của Mỹ gây tổn hại đến các doanh nghiệp

Ngày 18/7, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định các doanh nghiệp của Mỹ đã bị tổn hại bởi "cuộc đấu" thuế quan nhằm vào những sản phẩm chủ chốt, đồng thời cho rằng nếu chính sách thương mại của Washington giúp giảm bớt thuế quan, điều này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ. 
Chủ tịch FED Jerome Powell trong phiên điều trần trước một ủy ban Thượng viện Mỹ tại Washington DC., ngày 17/7. (Ảnh: EFE-EPA/TTXVN). Chủ tịch FED Jerome Powell trong phiên điều trần trước một ủy ban Thượng viện Mỹ tại Washington DC., ngày 17/7. (Ảnh: EFE-EPA/TTXVN).
Phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, ông Powell nhận định tranh chấp thương mại sẽ đẩy Fed vào tình thế khó khăn khi phải nâng dần lãi suất, tạo áp lực ngược lên nền kinh tế. Fed đã hai lần nâng lãi suất trong năm nay và dự kiến sẽ còn thực hiện thêm 2 lần nữa để giảm bớt áp lực lạm phát.

Chủ tịch Fed nêu rõ cơ quan này có thể giảm lãi suất khi đối đầu thương mại làm giảm nhu cầu, song cùng lúc lại phải đối mặt với việc chính sách thuế quan sẽ đẩy giá cả và lạm phát lên cao.

Ông cũng nêu ra các nguy cơ khác đối với nền kinh tế Mỹ bao gồm giá tài sản, cổ phiếu và trái phiếu tăng cao. 

Chủ tịch Powell cho biết còn quá sớm để đánh giá chính sách thương mại sẽ tác động thế nào đến chính sách tiền tệ của Fed do rất khó dự đoán kết quả các cuộc thảo luận hiện nay về chính sách thương mại, cũng như quy mô và thời điểm tác động kinh tế của gói kích thích tài chính. 

Theo khảo sát của Fed, các nhà sản xuất trên khắp nước Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng chính sách thuế quan của Washington sẽ làm tăng giá và gián đoạn nguồn cung. 

Trong khi đó, Hiệp hội Bảo hiểm Mỹ, Hiệp hội Các công ty bảo hiểm quốc gia Mỹ, Hiệp hội Bảo hiểm tài sản Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng việc tăng 25% thuế đối với phụ tùng ôtô nhập khẩu có thể làm tăng chi phí thêm 2,7%, tương đương với 3,4 tỷ USD cho bảo hiểm ôtô cá nhân.

Các công ty bảo hiểm sẽ không thể nhanh chóng cung cấp phụ tùng thay thế cho khách hàng, dẫn tới sự chậm trễ và tăng chi phí. 

Các hiệp hội trên cho rằng động thái tăng thuế sẽ dẫn đến hàng nghìn đề nghị tăng phí bảo hiểm trên toàn bộ 50 bang. Người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu toàn bộ các chi phí sửa chữa mới này. 

Từ hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Mỹ đã quyết định áp thuế mới với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước như nhôm, thép, máy móc, tấm năng lượng mặt trời cùng nhiều hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá lên tới nhiều tỷ USD nhằm gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh và các đối tác lâu năm phải điều chỉnh cán cân thương mại với Washington. 

Kể từ đó, các biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc vẫn tiếp diễn, bất chấp cảnh báo về sự bất ổn của nền kinh tế thế giới. 

Bộ Thương mại Mỹ hiện cũng đang tiến hành một cuộc điều tra khác đối với ôtô nhập khẩu. Giới quan sát lo ngại các cuộc điều tra nhập khẩu liên tiếp này sẽ đe dọa làm lan rộng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.


Theo VietNam+

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục