Cuộc chiến thương mại cận kề, giới đầu tư lại hoảng loạn

(ĐTCK) Mỹ và các đối tác thương mại đang bên bờ vực cuộc chiến thương mại khiến giới đầu tư hoảng loạn, bán tháo mạnh trong phiên đầu tuần mới.
Cuộc chiến thương mại cận kề, giới đầu tư lại hoảng loạn

Lo ngại về chiến tranh thương mại gia tăng trở lại khi thời gian áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc sắp đến, cùng với các cuộc trả đũa của các đối tác thương mại khác của Mỹ như Canada, EU khiến phố Wall chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần mới.

Tuy nhiên, về cuối phiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ được dẫn đầu bởi cổ phiếu Apple, giúp các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall quay đầu đảo chiều và đóng cửa tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó Nasdaq tăng tốt nhất.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones tăng 35,77 điểm (+0,15%), lên 24.307,18 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,34 điểm (+0,31%), lên 2.726,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 57,38 điểm (+0,76%), lên 7.567,69 điểm.

Trong khi đó, lo ngại về chiến tranh thương mại, cùng căng thẳng chính trị tại Đức và tăng trưởng nhà máy khu vực đồng euro trong tháng 6 ở mức thấp nhất 18 tháng khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu điều chỉnh mạnh trong phiên đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 89,09 điểm (-1,17%), xuống 7.547,85 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 67,83 điểm (-0,55%), xuống 12.238,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 46,76 điểm (-0,88%), xuống 5.276,76 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nỗi lo cuộc chiến thương mại khi thời gian áp thuế của Mỹ  với hàng hóa nhập từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD từ ngày 6/7 sắp đến khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bán tháo trong phiên đầu tuần mới và lây lan sang chứng khoán Nhật Bản. Chứng khoán Hồng Kông may mắn thoát hiểm do nghỉ giao dịch ngày thành lập Đặc khu.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 492,58 điểm (-2,21%), xuống 21.811,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tgiảm 71,86 điểm (-2,25%), xuống 2.775,56 điểm.

Không chỉ chứng khoán, vàng cũng bị bán tháo mạnh trong phiên đầu tuần mới, đẩy giá kim loại quý này xuống mức thấp nhất 12 tháng. Vàng hiện được các nhà đầu tư xem là một loại hàng hóa nguyên liệu, chứ không phải là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, nên cuộc chiến thương mại đã khiến giá các kim loại, trong đó có vàng giảm mạnh. Ngoài ra, đồng USD hồi phục mạnh trở lại cũng tác động tiêu cực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao ngay giảm 11 USD (-0,88%), xuống 1.241,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 12,5 USD (-1,00%), xuống 1.241,7 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh trong tuần qua, giá dầu thô đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới do sản lượng của Ả Rập Xê út và Nga tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế châu Á đang gặp khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 USD (-0,28%), xuống 73,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 79,41 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục