Thông tin từ Trung Quốc khiến giới đầu tư phấn khích

(ĐTCK) Việc Trung Quốc thông báo giảm bớt các hạn chế đầu tư nước ngoài đã đem lại luồng sinh khí cho các thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Thông tin từ Trung Quốc khiến giới đầu tư phấn khích

Trong phiên cuối tuần qua, phố Wall đồng loạt đảo chiều tăng mạnh trong phiên sau thông tin Trung Quốc thông báo giảm bớt các hạn chế đầu tư nước ngoài, làm giảm bớt căng thẳng về cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, đà tăng đột biến 13% của cổ phiếu Nike, lên mức cao nhất mọi thời đại 81 USD/cổ phiếu sau báo cáo sự tăng trưởng trở lại của thị trường Bắc Mỹ trong quý trước và đưa ra dự báo lạc quan trong năm nay.

Tuy nhiên, trong ít phút cuối phiên, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đột ngột đảo chiều và may mắn mới giữ được sắc xanh nhạt sau khi Chính quyền Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 6/7 và có khả năng thúc đẩy một phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones tăng 55,36 điểm (+0,23%), lên 24.271,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,06 điểm (+0,08%), lên 2.718,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 6,62 điểm (+0,09%), lên 7.510,30 điểm.

Dù hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall không tránh khỏi tuần giảm mạnh do ảnh hưởng từ nỗi lo chiến tranh thương mại. Trong đó, chỉ số Dow Jones mất 1,26%, tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp và đây là lần đầu tiên trong 2 năm, chỉ số này có chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,33% và chỉ số Nasdaq giảm mạnh 2,37% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp của 2 chỉ số này.

Trong tháng 6, chỉ số Dow giảm 0,59%, trong khi chỉ số S & P 500 tăng 0,49% và chỉ số Nasdaq tăng 0,92% - tháng tăng thứ 2 liên tiếp của 2 chỉ số này.

Trong quý II, chỉ số Dow Jones tăng 0,70%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 2,93% và chỉ số Nasdaq tăng tới 6,33% - quý tăng thứ 8 liên tiếp của Nasdaq.

Trong khi đó, đóng cửa sớm hơn mấy tiếng, chứng khoán châu Âu đồng loạt quay đầu đảo chiều tăng vọt trong phiên cuối tuần sau thông báo giảm bớt các hạn chế đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, giúp giảm bớt căng thẳng về cuộc chiến thương mại.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,30 điểm (+0,28%), lên 7.636,93 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 128,77 điểm (+1,06%), lên 12.306,00 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 47,89 điểm (+0,91%), lên 5.323,53 điểm.

Cũng giống như phố Wall, dù hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi tuần giảm mạnh. Trong đó, chỉ số FTSE 100 giảm 0,59%, chỉ số DAX giảm 2,18% và chỉ số CAC 40 giảm 1,19% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp của DAX và CAC 40.

Trong tháng 6, chỉ số FTSE 100 giảm nhẹ 0,54% sau 2 tháng tăng liên tiếp trước đó. Trong khi chỉ số DAX và CAC 40 có tháng giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 2,37% và 1,39%.

Trong quý II, chỉ số FTSE 100 tăng 8,22%, chỉ số DAX tăng 1,73% và CAC 40 tăng 3,02%. Ngoại trừ chứng khoán Đức, 2 chỉ số còn lại đều đã lấy lại được cả vốn lẫn lãi đã mất trong quý đầu năm.

Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì sự lình xình và đóng cửa gần như không đổi, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đều hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, trong đó chứng khoán Trung Quốc đại lục có phiên khởi sắc với mức tăng hơn 2%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh sau thông báo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) hôm thứ Năm rằng, sẽ giảm bớt các hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số ngành, kể cả nông nghiệp và ngân hàng, một động thái được xem là nỗ lực để xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 28/7.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 34,12 điểm (+0,15%), lên 22.304,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 457,79 điểm (+1,61%), lên 28.955,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,52 điểm (+2,17%), lên 2.847,42 điểm.

Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, dù bất mạnh trong phiên cuối tuần, chứng khoán châu Á cũng không tránh khỏi tuần giảm tiếp theo. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm tuần thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0,94%, chỉ số Hang Seng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,31% và chỉ số Shanghai Composite giảm tuần thứ 6 liên tiếp khi mất 1,47%.

Trong tháng 6, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,46%, trong khi số Hang Seng giảm 4,97% và chỉ số Shanghai Composite giảm tới 8,01%. Trong quý II, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,96% sau khi mất 5,76% trong quý đầu năm, còn chỉ số Hang Seng quay đầu giảm 3,78% sau khi tăng nhẹ 0,58% quý đầu năm. Chỉ số Shanghai Compoiste mất tới 10,14% trong quý II sau khi đã giảm 4,20% trong quý đầu năm.

Kết thúc phiên 29/6, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,35%), lên 1.252,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 3,2 USD (+0,26%), lên 1.254,2 USD/ounce.

Giá vàng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với giá vàng giao ngay giảm 1,30% và giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 1,33%.

Với những diễn biến và thông tin hiện tại, giới đầu tư và cả nhà phân tích đều có cái nhìn khá tiêu cực về giá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời tuần này, chỉ có 3 người, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều so với mức 53% của tuần trước, trong khi có tới 10 người, tương đương 53% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều so với con số 29% của tuần trước và 4 người, chiếm 27% dự báo giá sẽ đi ngang.

Tương tự, trong 878 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 406 người, chiếm 46% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn nhiều so với mức 35% của tuần trước; 325 lượt người, chiếm 37% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 40% của tuần trước và 147 lượt người, chiếm 17% có quan điểm trung tính.

Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh lên mức cao mới trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ việc Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt với Iran, cũng như việc hạn chế nguồn cung từ các mỏ dầu từ Canada và Lybia, trong khi nhu cầu tăng cao.

Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,7 USD (+0,94%), lên 74,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,59 USD (+2,00%), lên 79,44 USD/thùng.

Với nhiều thông tin hỗ trợ, giá dầu thô có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 8,12% và giá dầu thô Brent tăng 5,15%. Trong tháng 6, giá dầu thô Mỹ tăng tới 10,61% sau khi giảm 2,23% tháng trước và giá dầu thô Brent may có tuần tăng mạnh cuối tháng nên duy trì đà tăng 2,38% trong tháng 6, tháng tăng thứ 4 liên tiếp.

Trong quý II, giá dầu thô Mỹ tăng 14,18% và giá dầu thô Brent tăng 13,05%, quý tăng thứ 4 liên tiếp.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục