Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại làm nhụt chí giới đầu tư

(ĐTCK) Sau khi hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba, phố Wall đã giảm khá mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi Mỹ đang có các quan điểm khác nhau đối với các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại làm nhụt chí giới đầu tư

Đầu phiên giao dịch thứ Tư, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng khi trước đó, Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ sử dụng bảng đánh giá an ninh quốc gia hiện có, nhưng tăng cường hơn là hạn chế để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ việc mua lại công nghệ của Trung Quốc.

Quyết định này được các nhà đầu tư xem là một cách tiếp cận mềm mại hơn so với kế hoạch được báo cáo trước đó để chặn các công ty có ít nhất 25% quyền sở hữu của Trung Quốc khi mua các công ty công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Fox Business Network, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết rằng, kế hoạch công bố của Tổng thống Trump đã không chỉ ra lập trường dịu dàng về Trung Quốc.

Điều này khiến giới đầu tư nhụt chí nên đồng loạt bán mạnh, kéo cả 3 chỉ số quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư, bất chấp nhóm cổ phiếu năng lượng vẫn tăng tốt nhờ giá dầu tiếp tục khởi sắc. Trong đó, đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ khiến Nasdaq là chỉ số mất điểm nặng nề nhất khi giảm tới hơn 1,5% trong phiên này.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones giảm 165,52 điểm (-0,68%), xuống 24.117,59 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,43 điểm (-0,86%), xuống 2.699,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 116,54 điểm (-1,54%), xuống 7.445,08 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, việc Tổng thống Mỹ Trump có cách tiếp cận mềm hơn với việc Trung Quốc đầu tư và các công ty công nghệ Mỹ giúp giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm bớt nỗ lo chiến tranh thương mại leo thang, qua đó đẩy các chỉ số chính của khu vực tăng mạnh. Các chỉ số này giữ đà tăng tốt khi chốt phiên, bởi thị trường châu Âu đóng cửa trước khi cuộc phỏng vấn của cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow được công bố.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 83,77 điểm (+1,11%), lên 7.621,69 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 114,24 điểm (+0,93%), lên 12.348,61 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 45,91 điểm (+0,87%), lên 5.327,20 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hạ độ cao khi nhóm cổ phiếu sản xuất cao su, hàng không và vận tải giảm mạnh do giá dầu tăng cao. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục giảm điểm do lo ngại tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 3,85 điểm (+0,01%), lên 22.342,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 79,99 điểm (-0,28%), xuống 28.881,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,83 điểm (-0,52%), xuống 2.844,51 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi lình xình trong phiên châu Á và châu Âu, giá vàng đã quay đầu sụt giảm mạnh trong phiên Mỹ và xuống mức thấp nhất 6 tháng khi đồng USD tăng vọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường vàng hiện đang có dấu hiệu quá bán, nên nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 27/6, giá vàng giao ngay giảm 7,4 USD (-0,59%), xuống 1.251,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,8 USD (-0,3%), xuống 1.256,1 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh khi nhận được liên tiếp các thông tin hỗ trợ. Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng chính sách “không khoan nhượng” với xuất khẩu dầu thô của Iran sang các nước khác, giá dầu thô lại nhận được thông tin hỗ trợ từ việc gián đoạn sản xuất tại các mỏ ở Canada và tiếp đến là Lybia.

Kết thúc phiên 27/6, giá dầu thô Mỹ tăng 2,23 USD (+3,06%), lên 72,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,31 USD (+1,69%), lên 77,62 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục