Sau phiên lao dốc đầu tuần mới, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba nhờ đà khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng theo giá dầu. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số hạ nhiệt vào cuối phiên khi tâm lý lo sợ chiến tranh thương mại vẫn ám ảnh nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Dow Jones tăng 30,31 điểm (+0,12%), lên 24.283,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,99 điểm (+0,22%), lên 2.723,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 29,62 điểm (+0,39%), lên 7.561,63 điểm.
Sau phiên lao dốc mạnh đầu tuần, chứng khoán châu Âu nỗ lực hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba, nhưng nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn ám ảnh nhà đầu tư, khiến thị trường chưa thể lấy lại sắc xanh, ngoại trừ chứng khoán Anh
Kết thúc phiên 26/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,08 điểm (+0,37%), lên 7.537,92 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 35,99 điểm (-0,29%), xuống 12.234,34 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,57 điểm (-0,05%), xuống 5.281,29 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản may mắn thoát hiểm trong ít phút cuối phiên, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục sụt giảm do nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài vì lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 26/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 3,85 điểm (+0,01%), lên 22.342,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 79,99 điểm (-0,28%), xuống 28.881,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 14,83 điểm (-0,52%), xuống 2.844,51 điểm.
Bất chấp cuộc chiến thương mại đang leo thang, vàng đã không trở thành một kênh đầu tư trú ẩn an toàn, mà theo chân các loại hàng hóa nguyên liệu thô khác bị bán mạnh, đẩy giá kim loại quý này giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên thứ Ba. Đà giảm của giá vàng chỉ được hãm bớt nhờ đà khởi sắc trở lại của dầu thô.
Kết thúc phiên 26/6, giá vàng giao ngay giảm 7,4 USD (-0,58%), xuống 1.257,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 9 USD (-0,71%), xuống 1.259,9 USD/ounce.
Sau khi điều chỉnh nhẹ trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Ba khi Mỹ cho biết, sẽ áp đặt chính sách “không khoan nhượng” đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sang các nước khác.
Kết thúc phiên 26/6, giá dầu thô Mỹ tăng 2,45 USD (+3,47%), lên 70,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,58 USD (+2,07%), lên 76,31 USD/thùng.