Sau 2 phiên giảm mạnh do ám ảnh bởi nỗi lo chiến tranh thương mại, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, đặc biệt là chỉ số Nasdaq lập mức đỉnh đóng cửa lịch sử mới nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong khi đó, S&P 500 chỉ có được sắc xanh nhạt và Dow Jones vẫn tiếp tục giảm điểm do ảnh hưởng từ nỗi lo cuộc chiến thương mại.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Dow Jones giảm 42,41 điểm (-0,17%), xuống 24.657,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,73 điểm (+0,17%), lên 2.767,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 55,93 điểm (+0,72%), lên 7.781,51 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, nhưng đà tăng không mạnh, trong đó chứng khoán Pháp vẫn đóng cửa trong sắc đỏ khi nỗi lo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn ám ảnh các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,55 điểm (+0,31%), lên 7.627,40 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 17,19 điểm (+0,14%), lên 12.695,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 18,32 điểm (-0,34%), xuống 5.372,31 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính trong khu vực cũng đều hồi phục, trong đó chứng khoán Nhật Bản bật tăng mạnh nhờ lực cầu bắt đáy sau khi nỗi lo về chiến tranh thương mại vơi dần sau bình luận lạc quan của truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Kết thúc phiên 20/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 276,95 điểm (+1,24%), lên 22.555,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 222,08 điểm (+0,77%), lên 29.696,17 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,91 điểm (+0,27%), lên 2.915,73 điểm.
Trên thị trường vàng, việc Chủ tịch Fed cho biết, Fed sẽ tăng dần lãi suất trong thời gian tới khiến lãi suất trái phiếu tăng, đồng USD cũng tăng vọt lên mức cao nhất 11 tháng khiến giá vàng tiếp tục giảm với mức giảm gấp đôi phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 20/6, giá vàng giao ngay giảm 6,6 USD (-0,52%), xuống 1.268,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 4,1 USD (-0,32%), xuống 1.274,5 USD/ounce.
Giá dầu thô giằng co trong những phiên gần đây khi chịu tác động từ các thông tin về cuộc họp của OPEC để bàn về việc tăng sản lượng, trong khi Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng cách tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ kể cả với dầu thô.
Trong phiên thứ Tư, giá dầu thô có sự trái chiều, trong khi giá dầu thô Mỹ hồi phục mạnh, thì giá dầu thô Brent tiếp tục giảm.
Kết thúc phiên 20/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,15 USD (+1,74%), lên 66,22 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,34 USD (-0,45%), xuống 74,74 USD/thùng.