Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, nhất là khi mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có khả năng đánh thuế lên các hàng hóa trị giá tới 500 tỷ USD từ Trung Quốc – tương đương với toàn bộ sản phẩm mà Mỹ mua về từ nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trong bối cảnh này, một vài xu hướng manh nha hiện tại sẽ trở nên rõ ràng hơn, khiến các mối quan hệ giao thương trên toàn cầu thay đổi.
Năm 2017, xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) – bao gồm 28 quốc gia thành viên, không phải khu vực Euro Zone tới châu Á lớn hơn tới Mỹ. Thực tế, khối lượng xuất khẩu hàng hóa từ EU tới châu Á trong thập kỷ qua đã tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp đôi xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi đó, châu Á xuất khẩu hàng hóa sang EU với giá trị thấp hơn chút so với sang Mỹ trong năm 2017, nhưng tốc độ tăng trưởng lại nhanh hơn, khiến EU ngày càng trở thành thị trường quan trọng đối với châu Á, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Từ góc nhìn này, dễ nhận ra, châu Á sẽ ngày càng quan trọng với EU hơn Mỹ, và ngược lại, EU cũng sẽ sớm trở thành thị trường hàng đầu đối với châu Á, thay vì Mỹ.
Bên cạnh đó, giá trị hàng hóa nhập khẩu tại châu Á phản ánh thị trường tiêu thụ sổi nổi và không ngừng tăng trưởng tại đây. Nếu ước tính bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (Personal Consumption Expenditure – PCE, chỉ số đo lường một cách toàn diện mức độ chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, bao gồm chi phí hàng hóa lâu bền, hàng tiêu dùng và dịch vụ), thị trường châu Á hiện tại chỉ tương đương Mỹ.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại châu Á đang tăng nhanh gấp đôi so với Mỹ. Nếu loại trừ Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng PCE tại châu Á sẽ tăng nhanh gấp ba. Trong đó, ấn tượng nhất là Trung Quốc, khi PCE tăng trưởng trung bình ở 13,8%/năm trong suốt thập kỷ qua, nhanh gấp 4 lần tại Mỹ, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều này giải thích tại sao, Đại lục hiện là thị trường quan trọng bậc nhất đối với nhiều quốc gia xuất khẩu hàng hóa.
Thêm vào đó, nếu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hiện tại của Mỹ và Trung Quốc được giữ vững trong vài năm tới, tới năm 2021, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, theo IMF và Cơ quan Phân tích kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Với bối cảnh như vậy, cuộc chiến tranh thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo lực đẩy để EU và châu Á đẩy nhanh hơn nữa tốc độ mở cửa thị trường và thắt chặt các mối liên kết thương mại với nhau. Điều này dẫn tới việc tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của 2 khu vực này sẽ còn nhanh hơn nữa so với thập kỷ vừa qua, đi kèm với đó là dòng tiền đầu tư chảy mạnh.
Thực tế, trên toàn cầu, ngoại trừ Mỹ, các nhà chính sách đều đang nỗ lực xúc tiến thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do, coi đây là động lực của tăng trưởng. Chẳng hạn, ngay khi ông Trump đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các quốc gia còn lại đã nhanh chóng đi tới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ quả trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ châm ngòi là quá trình hợp tác, liên kết, mở rộng nền kinh tế giữa các quốc gia bên ngoài nước Mỹ sẽ diễn ra nhanh hơn, trên quy mô lớn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, trung tâm của nền kinh tế toàn cầu dần chuyển dịch về châu Á.
Đi kèm với xu hướng này, hệ thống các chuỗi cung cấp hàng hóa trên toàn cầu sẽ nhanh chóng tiến hóa để thích nghi với bối cảnh mới. Khi EU và châu Á ngày càng gắn chặt, hàng hóa – dịch vụ trở nên rẻ hơn, thúc đẩy cạnh tranh và sáng tạo, các tỷ phú tại 2 khu vực này sẽ chứng kiến khối tài sản của mình ngày càng gia tăng.
Chưa kể, bằng việc phát động chiến tranh thương mại, ông Trump đã “trao tặng” cho Trung Quốc cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu các khu vực kinh tế, thương mại tự do, giúp tham vọng của Đại lục dễ dàng trở thành hiện thực hơn.