FDI 2016: Hứa hẹn bùng nổ

Những động thái tích cực trong 2 tháng đầu năm đang hứa hẹn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong năm nay.

Các đại gia bán lẻ Thái Lan đang chạy đua thâu tóm chuỗi siêu thị BigC. Ảnh: Đức Thanh Các đại gia bán lẻ Thái Lan đang chạy đua thâu tóm chuỗi siêu thị BigC. Ảnh: Đức Thanh

Bất chấp tháng 2/2016 có kỳ nghỉ Tết kéo dài, thu hút FDI trong tháng này vẫn có kết quả ấn tượng, đưa tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm kể từ đầu năm tới thời điểm ngày 20/2/2016 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.

Một tháng trước đây, con số này chỉ là 1,33 tỷ USD, nghĩa là trong tháng 2/2016 có 1,5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam.

Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng qua ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tháng trước, con số này dừng ở 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.

Những mức tăng trưởng ấn tượng kể trên hứa hẹn Việt Nam sẽ có một năm bùng nổ FDI, khi hàng loạt cơ hội được mở ra sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt là việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Tất nhiên, có sự tăng trưởng này một phần là do những tháng đầu năm ngoái, vốn FDI vào Việt Nam dừng ở mức hạn chế vì không có dự án quy mô lớn. Mặc dù vậy, nhiều dự báo lạc quan cho thấy, vốn FDI vào Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm nay.

Thông tin từ nhiều địa phương cũng đã khẳng định điều này. Chẳng hạn, TP. Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 1,4 - 2 tỷ USD trong năm nay, tăng rất mạnh so với mức trên 1 tỷ USD trong năm 2015. Đây là một con số khả thi, bởi nếu nhìn vào danh sách các dự án quy mô lớn đang làm thủ tục và nghiên cứu đầu tư tại Hà Nội. Sau 2 tháng, Hà Nội đang là địa phương thu hút FDI lớn nhất, với 242,4 triệu USD.

Tháng trước, Hà Nội đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán trên lãnh thổ Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 210,58 triệu USD, do Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) liên doanh với Công ty TNHH một thành viên Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) triển khai.

Trong khi đó, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI trong năm nay. Con số ở Đồng Nai là 1 tỷ USD, ở Hải Phòng thậm chí còn gấp đôi con số này. Năm 2015, chỉ tính riêng các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Hải Phòng đã thu hút được 869 triệu USD, chiếm trên 87% tổng vốn FDI vào Thành phố. Kỳ vọng năm 2016, ông Mai Xuân Hòa, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng dự kiến thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI.

“Nhờ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư hấp dẫn, nên vốn FDI vào Hải Phòng những năm gần đây đã tăng mạnh”, ông Hòa nói và cũng không quên nhấn mạnh các cơ hội to lớn mà các FTA mang lại.

Các FTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vốn FDI từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Một báo cáo vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố cho thấy, có tới 64% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 85% doanh nghiệp cho rằng, lý do chính để mở rộng đầu tư nhằm tăng doanh thu.

Riêng trong ngành công nghiệp phi chế tạo, 65% số doanh nghiệp cho biết, họ vẫn nhìn thấy “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Một động thái quan trọng không kém trong thu hút FDI kể từ đầu năm tới nay là cơ hội cho sự bùng nổ hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở Việt Nam.

Từ cuối năm ngoái, đặc biệt là đầu năm nay, thị trường Việt Nam “sôi sục” với các thông tin liên quan đến các các đại gia bán lẻ Thái Lan (BJC và Central Group) chạy đua thâu tóm chuỗi siêu thị BigC, sau khi Tập đoàn Casino (Pháp) tuyên bố bán hệ thống này.

Trong khi đó, cuối năm ngoái, TCC Holdings của Thái Lan cũng đã thành công trong việc đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của Metro (Đức). ANA Holdings (Nhật Bản) cũng tuyên bố sẽ mua 8% cổ phần của Vietnam Airlines, còn Aéroports de Paris (Pháp) thì đang “ngóng” việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Mới nhất, thông tin từ tờ Nikkei (Nhật Bản) cho biết, JX Nippon Oil & Energy sẽ chi khoảng 20 tỷ yên (tương đương 117 triệu USD) để mua 10% cổ phần tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sau khi đã trải qua hơn 1 năm đàm phán. Cùng với đó, JX cũng đang xem xét việc có tham gia Dự án lọc dầu ở Vân Phong (Khánh Hòa) cùng Petrolimex trong năm 2016 hay không.

Số liệu được Công ty Nghiên cứu thị trường StoxPlus cho thấy, năm 2015, giá thị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã lên tới 5,2 tỷ USD, trong đó, các thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đạt trị giá 2,2 tỷ USD.

Những động thái trên cho thấy, FDI vào Việt Nam năm nay hứa hẹn sẽ bùng nổ, không chỉ trong đầu tư dự án mới, mà cả thông qua hoạt động M&A.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục