Khởi đầu làn sóng FDI thứ ba - bài 2

Tấm huân chương nào cũng có mặt trái. Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) nảy sinh thách thức mới đối với thu hút FDI của nước ta. Báo Đầu tư xin trân trọng giới thiệu kỳ 2 bài viết của GS. TSKH Nguyễn Mại về nội dung này.
Các dự án đầu tư của khu vực FDI đang cùng dự án trong nước tạo hợp lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Các dự án đầu tư của khu vực FDI đang cùng dự án trong nước tạo hợp lực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn

Bài 2: Thách thức mới đối với thu hút FDI

- III -

Các nước thành viên AEC đều tận dụng thời cơ để đề ra chính sách ưu đãi mới và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong điều kiện không gian kinh tế được mở rộng ra toàn cộng đồng, khi tự do hóa chu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có kỹ năng, trong đó lĩnh vực ngân hàng, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao. So với một số nước trong ASEAN, Việt Nam vẫn còn có khoảng lệch nhất định.

Việc một nhà đầu tư ngoại khối khi thực hiện dự án tại một nước thành viên ASEAN được coi là nhà đầu tư ASEAN sẽ tạo cơ hội để họ tận dụng lợi thế khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN. Bởi vì, dù đầu tư tại Việt Nam hay tại Thái Lan, thì sản phẩm của họ cũng được tự do chu chuyển  trong nội khối với những điều kiện về thuế quan và phi thuế quan như nhau, chỉ còn lại sự khác nhau về thuế nội địa và môi trường kinh doanh từng nước.

Khởi đầu làn sóng FDI thứ ba - bài 2 ảnh 1

 GS. TSKH. Nguyễn Mại

Các hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra thách thức mới đối với thu hút FDI. Những quy định về đầu tư trong các hiệp định thương mại tự do mới như nguyên tắc đối xử quốc gia (NT), quy chế tối huệ quốc (MFN) không có nhiều khác biệt so với những hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhưng có một số nhân tố mới liên quan đến đầu tư như quy định về lao động và thành lập công đoàn, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước là những vấn đề phải thực hiện nghiêm chỉnh, nhưng không dễ xử lý, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hoạt động FDI phải lưu ý. 

Về các đối thủ cạnh tranh thu hút FDI, đang có những thay đổi đáng kể. Trong khi Trung Quốc mất dần lợi thế và tạo cơ hội để nước ta nhận được một phần việc chuyển dịch nhà máy của doanh nghiệp FDI từ nước này như Samsung, Nokia - Microsoft đã tiến hành, thì Ấn Độ đang nổi lên là một đối thủ mới.

Đất nước có số dân 1,25 tỷ người, đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế năng động và giành được thành tựu khá ấn tượng trong các nước mới nổi (BRICS), có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trên 7% năm 2015, với tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi vốn là chủ doanh nghiệp, đã thực hiện hàng chục chuyến thăm nước ngoài để xúc tiến đầu tư bằng các cam kết có chính sách ưu đãi lớn của chính phủ trung ương về thuế, tiền thuê đất, thủ tục hành chính đơn giản cộng thêm ưu đãi của chính phủ từng bang.

Theo UNCTAD, Ấn Độ lần đầu tiên đã lọt vào nhóm 10 nước thu hút FDI lớn nhất thế giới trong năm 2014 với 34 tỷ USD, tăng 22% (so với 28 tỷ USD của năm 2013), chiếm 83,5% tổng 41,2 tỷ USD FDI vào khu vực Nam Á, bao gồm cả Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC). FDI vào Ấn Độ tiếp tục tăng 74% trong tháng 8/2015 so với cùng kỳ năm 2014.

Mô hình tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ bắt đầu từ năm 1991 là ưu tiên tiêu thụ nội địa thay vì tập trung phục vụ xuất khẩu, trong những năm gần đây đã cân bằng hơn giữa thị trường trong nước và ngoài nước. Đóng góp lớn nhất cho sự chuyển đổi cơ cấu đưa Ấn Độ tăng trưởng nhanh là ngành công nghệ thông tin (IT) từ 4,8 tỷ USD năm 1997 tăng lên 118 tỷ USD năm 2014, trong đó xuất khẩu đạt 99 tỷ USD. GDP năm 2014 đạt trên 2.000 tỷ USD.

"Về các đối thủ cạnh tranh thu hút FDI, đang có những thay đổi đáng kể. Trong khi Trung Quốc mất dần lợi thế và tạo cơ hội để nước ta nhận được một phần việc chuyển dịch nhà máy của doanh nghiệp FDI từ nước này như Samsung, Nokia - Microsoft đã tiến hành, thì Ấn Độ đang nổi lên là một đối thủ mới"

Tháng 4/2015, Thủ tướng Narendra Modi đã phát động nhiều chiến dịch như "Make in India", "Skill India", "Digital India"… nhằm thu hút FDI vào ngành chế tạo, phát triển kỹ năng và khai thác nguồn nhân lực dồi dào trong nước. Chính phủ nước này cũng đề ra mục tiêu tạo ra 100 triệu việc làm mới vào năm 2022.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7,2% và sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ có Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) đứng thứ 55 trong 125 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới.

Quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam rất hữu nghị và hợp tác. Tuy vậy, Ấn Độ đang nổi lên như là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam thu hút FDI kể cả các dự án thâm dụng vốn và lao động như dệt, may, giày dép, mà lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ thuộc về Ấn Độ. Về các dự án công nghệ cao, Ấn Độ có ưu thế nổi trội về tiềm lực trí tuệ do con số kỹ sư hàng năm được các trường đại học và cao đẳng cung ứng cho thị trường lao động nhiều hơn bất kỳ nước lớn nào trên thế giới. Nhiều dự án đang được thực hiện rất có hiệu quả bằng dịch vụ thành lập công ty, nộp thuế, kế toán… thông qua internet cho các công ty và gia đình Mỹ.

- IV -

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2015 được tổ chức ngày 1/12/2015 tại Hà Nội, đại diện doanh nghiệp FDI đến từ các châu lục đều ghi nhận những tiến bộ rõ ràng về kinh tế vĩ mô, về cải cách thể chế, đã kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề cụ thể, ví dụ thủ tục nộp thuế, hoàn thuế, thanh kiểm tra thuế còn mang nặng dấu ấn của “cơ chế xin- cho”;  phản đối một số quy định của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Đại diện doanh nghiệp Mỹ đề nghị Việt Nam thay đổi quy định về việc nhập cảnh của công dân Mỹ, hiện có thời gian ba tháng và một lần thành một năm và nhiều lần như Mỹ áp dụng đối với công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Mỹ...

Nhiều kiến nghị tại VBF năm 2015 cần được các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền địa phương nghiên cứu, phân loại để đề ra giải pháp khắc phục những vấn đề đang gây trở ngại cho đầu tư và kinh doanh.

Trong khi thể chế kinh tế dần được hoàn thiện, thì việc cải cách thể chế chính trị và thực thi thể chế nổi lên là khâu quan trọng nhất. Cải cách nhanh hơn và có hiệu quả hơn cơ cấu bộ máy nhà nước, giải quyết đồng bộ hơn những vấn đề có liên quan đến nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ công chức là hai nhân tố quyết định của việc chuyển sang Nhà nước kiến tạo, Chính phủ điện tử để bảo đảm nước ta có thứ hạng cao trên thế giới về môi trường đầu tư và kinh doanh.

Nhân dân và doanh nghiệp hy vọng thành công của Đại hội XII của Đảng sẽ tạo nên luồng gió mới trong quản lý nhà nước, biết sử dụng quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI phù hợp với quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ, vừa có lợi cho địa phương, vừa bảo đảm lợi ích đất nước, không châm chước mục tiêu của từng lợi ích dự án. Khi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng luật pháp, kể cả bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Trong trường hợp dự án đầu tư có nhiều đối tác tham gia thì việc lựa chọn cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu về cơ bản có đủ điều kiện thực hiện, bởi vì việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn mới.

Với hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đại hội XII như coi kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng, cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi làm cho động lực tăng trưởng trong nước hoạt động tốt hơn, để cùng với động lực đang vận hành tốt là khu vực FDI tạo thành hợp lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng nền kinh tế xanh trong giai đoạn 2016 - 2020.

GS - TSKH Nguyễn Mại

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục