Nhà đầu tư cá nhân áp đảo, đầu cơ “lên ngôi”
Phiên giao dịch cuối tuần qua (3/12), chỉ số VN-Index mất 38,73 điểm, về 1.443,32 điểm. Trên sàn HOSE, có tới 415 mã giảm, trong đó có 25 mã giảm sàn.
Việc chỉ số VN-Index lùi sâu so với mốc 1.500 điểm được một số nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm lý giải xuất phát từ tâm lý lo ngại áp lực điều chỉnh của thị trường khi chứng kiến thanh khoản phiên giao dịch 2/12 chỉ đạt 13.312 tỷ đồng trên sàn HOSE và nhiều cổ phiếu sau giai đoạn tăng trần liên tục đã trở nên quá nóng và đang chịu áp lực chốt lời mạnh.
Trong khi xét về vĩ mô, xung quanh biến chủng mới của virus Corona, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa vào cuối tuần trước nữa và đầu tuần qua, đang xuất hiện những nhận định không đáng quan ngại hơn so với chủng cũ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, người từng có nhiều năm hoạt động ở thị trường tài chính Mỹ nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang phát triển quá nóng. Đầu năm 2020, chỉ số VN-Index ở mức 600 - 700 điểm, đến cuối năm 2020 đã tăng gấp đôi, lên 1.000 điểm và cuối tháng 11/2021 thì vượt mốc 1.500 điểm.
Khi thị trường bị áp đảo bởi số lượng nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn sẽ hỗ trợ cho hoạt động đầu cơ là chính.
Theo TS. Hiếu, “khi thị trường bị áp đảo bởi số lượng nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn sẽ được chuyền tay nhau trên thị trường thứ cấp và hỗ trợ cho hoạt động đầu cơ là chính, vì vậy mà không ổn định, chứa đựng nhiều rủi ro”.
Một thống kê cho thấy, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng số gần 4 triệu tài khoản đầu tư hiện nay cũng như hơn 90% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán. Dòng tiền cá nhân, đặc biệt là dòng tiền mới (F0) vào thị trường đã áp đảo lực bán ròng mạnh của khối ngoại và đẩy giá nhiều cổ phiếu chạy xa giá trị thực. Điển hình như phiên giao dịch ngày 12/11/2021, có tới 203 cổ phiếu tăng trần. Thị trường UPCoM,
vốn được coi là nơi hội tụ của những cổ phiếu “dự bị” cho sàn niêm yết lại đóng góp tới 127 mã tím. Phần lớn những mã tăng trần này có thị giá nhỏ, thuộc dòng cổ phiếu "đầu cơ" của những doanh nghiệp kém chất lượng.
Đơn cử, cổ phiếu CEO (Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O) đã tăng 3,5 lần trong vòng 1 tháng qua, từ 12.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11 lên 42.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/12; mã CMS (Công ty cổ phần Xây dựng và nhân lực Việt Nam) tăng 5,5 lần, từ mốc 5.000 đồng/cổ phiếu ngày 25/10 lên 27.000 đồng/cổ phiếu ngày 2/12…
Đáng nói, C.E.O đã báo lỗ hai năm liên tiếp 2019, 2020 và 9 tháng đầu năm nay ghi nhận số lỗ gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, hay CMS đang kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận sau thuế 9 tháng âm gần 9 tỷ đồng… Sự tăng giá phi lý của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp thua lỗ khiến nhiều người đặt cho nó cái tên “hội chứng nghiện cổ phiếu lỗ”.
Theo TS. Hiếu, ở thị trường chứng khoán Mỹ, số lượng nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cân bằng nhau. Là chuyên gia tài chính nhưng ông Hiếu không đầu tư độc lập, mà thông qua một quỹ tương hỗ (mutual fund), một dạng quỹ đầu tư cho phép nhà đầu tư lựa chọn các tiêu chí đầu tư trước khi ủy thác cho quỹ.
Dưới góc nhìn của ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI, ở các thị trường mới nổi và thị trường cận biên như Việt Nam, làn sóng phát triển nhà đầu tư cá nhân rất nhanh trong giai đoạn đầu.
“Khoảng 50% nhà đầu tư cá nhân trong hai năm đầu gia nhập thị trường sẽ bị thua lỗ. Một bộ phận trong số đó sẽ học cách đầu tư bài bản hơn hoặc sẽ đầu tư qua quỹ, một bộ phận sẽ rời khỏi thị trường”, ông Phúc cho biết.
Ngược lại, theo ông Phúc, nhà đầu tư tổ chức đầu tư một cách bài bản, có chiến lược đầu tư và công cụ đo lường để hành động thích hợp, thường nắm giữ trong một thời gian đủ dài. Do vậy, việc có nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định hơn.
Nhận xét của ông Phúc gợi nhớ tới giai đoạn 2006 - 2007, khi thị trường chứng khoán trong nước bùng nổ đã thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều nhà đầu tư cá nhân thua lỗ lớn và rút lui khỏi thị trường, khiến các chỉ số chứng khoán nằm ở vùng giá thấp trong nhiều năm.
Đó cũng chính là lý do, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn đặt ra mục tiêu phát triển cơ cấu nhà đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển nhà đầu tư có tổ chức.
Công ty quản lý quỹ thiếu động lực, vì sao?
Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán tính đến cuối quý III/2021 đạt khoảng 130% GDP. Thông tin được ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam chia sẻ, đến tháng 6/2021, ngành quản lý quỹ Việt Nam đang quản lý 433.000 tỷ đồng, tương đương 17 - 18 tỷ USD (chiếm 5,5% GDP), còn một khoảng cách rất lớn so với các nước trong khu vực
như Thái Lan 29% GDP, Malaysia 31,5% GDP...TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay thiếu cả kiến thức lẫn kinh nghiệm về thị trường chứng khoán nhưng có tâm lý “không tin ai cả”, muốn tự mình “chơi” cổ phiếu và rất hưng phấn với nhóm cổ phiếu đầu cơ do mang lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn.
Hiện tượng này, dưới góc nhìn của ông Lê Chí Phúc, có nguyên nhân từ việc quỹ đầu tư chưa chứng minh được ưu điểm vượt trội.
Cụ thể, quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là quỹ mở, quỹ đầu tư chỉ số (ETF), chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Ở các thị trường tài chính phát triển, có nhiều loại hình quỹ, đầu tư vào nhiều loại tài sản, trong đó có loại hình quỹ phòng hộ (hedge fund) có tính chủ động của người quản lý tài sản rất cao, tạo ra lợi nhuận tích cực cả khi thị trường lên và xuống.
“Hiện nay, rất đông nhà đầu tư cá nhân thông qua hội nhóm, ủy thác cho một hoặc một nhóm cá nhân quản lý tài khoản và đầu tư giống với hình thái ấy. Nhưng Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho quỹ phòng hộ để các công ty quản lý quỹ thiết kế sản phẩm đó”, ông Phúc nêu vấn đề.
Một điều quan trọng nữa là, các quỹ mở ở Việt Nam hiện giờ không có khoản phí performance fee (khoản phí được tạo ra khi quỹ tạo ra lợi nhuận tích cực). Các quỹ mở hiện nay chỉ được nhận phí quản lý cố định 2%/năm trên quy mô tài sản, do đó, không khuyến khích tính chủ động để tạo nên lợi nhuận vượt trội.
Khoản phí quản lý 2% này, theo ông Phúc, phải phân phối cho các bên như ngân hàng lưu ký, giám sát, thuế, phí…, phần thu về của các công ty quản lý quỹ rất nhỏ. Với những quỹ mở có quy mô nhỏ hơn 300 - 500 tỷ đồng thì không đủ chi phí vận hành.
Mà hầu hết các quỹ mở hiện tại không đạt được quy mô đó trong ba năm đầu. Nguyên nhân này khiến công ty quản lý quỹ thiếu động lực để phát triển những sản phẩm vượt trội nhằm thu hút khách hàng.
Nhận định ngành quỹ đang đứng trước cơ hội lớn để có thể phát triển nhanh trong giai đoạn tới nhờ ba động lực chính, đó là thu nhập bình quân đầu người được nâng cao; nền tảng công nghệ hỗ trợ; ngày càng có nhiều nhà đầu tư ý thức về tự do tài chính, độc lập tài chính bằng con đường đầu tư tích sản, nhưng theo ông Trần Lê Minh, “ngành quản lý quỹ cũng đang đứng trước rất nhiều rủi ro pháp lý do khuôn khổ pháp luật hiện tại đã đi trễ hơn so với tốc độ phát triển của thị trường”.