Nhà đầu tư F0 luôn được làm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lượng tài khoản mở mới lại tăng mạnh trong tháng 8, gần vượt số kỷ lục trong tháng 6/2021. Lực cầu cổ phiếu từ nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giữ nhiệt cho thị trường.
Phong cách ưa chuộng của nhà đầu tư F0 vẫn là trading ngắn hạn. Phong cách ưa chuộng của nhà đầu tư F0 vẫn là trading ngắn hạn.

Thị trường liên tục được bổ sung nhà đầu tư mới

“Thị trường chứng khoán thật thú vị, có nhiều chuyện cười ra nước mắt”, nhà đầu tư Hoàng Lê, tham gia thị trường được 6 tháng nhận xét. Chuyện “cười ra nước mắt” được Hoàng Lê kể là việc “phím” cho anh bạn mua cổ phiếu CST (Công ty cổ phần Than Cao Sơn), khi các cổ phiếu dòng than “vào sóng”.

Khi cổ phiếu CST tăng giá 20% so với lúc “phím” bạn mua, Lê nhắn tin chúc mừng thì nhận được phản hồi từ bạn: “Sao em lãi được 20%, mà anh chỉ được 6%, trong khi cùng một điểm mua?”. Khi bạn chụp màn hình giao dịch gửi qua, Lê mới “té ngửa” ra rằng bạn không mua cổ phiếu CST, mà mua CTS!

“May mà CTS cũng tăng nhẹ 6%”, nhà đầu tư Hoàng Lê cảm thán.

Những câu chuyện tương tự về sự “ngô nghê” của các nhà đầu tư mới còn rất nhiều. Có nhà đầu tư “lỡ mua cổ phiếu BSR ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu" mà cuối phiên giá giảm về 17.500 đồng/cổ phiếu là hoang mang, lúng túng không biết xử lý thế nào. Hay có nhà đầu tư sáng mua cổ phiếu TPB thì chiều định đặt lệnh bán thì mới vỡ lẽ ra là không được bán cổ phiếu trong ngày, phải chờ T+2, cổ phiếu mới về tài khoản…

Có một phần lớn nhà đầu tư mới đến với thị trường chứng khoán vì công việc kinh doanh tạo thu nhập hàng tháng bị gián đoạn vì dịch bệnh nên tranh thủ đổ vốn qua kênh chứng khoán để kiếm thêm thu nhập. Việc tham gia đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư này cũng thường được dẫn dắt bởi bạn bè thân quen. Số vốn họ đổ vào tài khoản dao động từ vài trăm triệu đến một vài tỷ đồng, cũng có người bỏ ra 5 - 7 tỷ đồng.

Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, lãi suất tiết kiệm giảm sâu (chỉ loanh quanh trong khoảng 4,5%/năm cho các kỳ hạn), kênh đầu tư vàng và ngoại tệ ít hấp dẫn và có rủi ro lớn (nhất là vàng), kênh đầu tư bất động sản trầm lắng vì giãn cách… thì chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn, nhờ mức sinh lời tốt và tính thanh khoản cao.

Trên đây chỉ là một trong vô vàn các câu chuyện vui về các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, đặc biệt là trong tháng 8, khi các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 được siết chặt hơn.

Nhờ ứng dụng công nghệ mở tài khoản định danh eKYC nên nhiều nhà đầu tư vẫn có thể mở tài khoản đầu tư chứng khoán và tham gia giao dịch.

8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018 - 2020 cộng lại.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó.

Chưa kể, các công ty chứng khoán đang ngày càng năng động hơn trong cách tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân, thông qua các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…, với các nội dung đa dạng, phong phú hơn rất nhiều.

Đi từ những điều cơ bản, cần thiết nhất với các nhà đầu tư, nhận định thị trường ngắn hạn đến dài hạn, các tư vấn cũng “hợp thời hơn”. Không chỉ những cổ phiếu giá trị dành cho các nhà đầu tư dài hạn, mà cả những cổ phiếu theo xu hướng dòng tiền – gu yêu thích của rất nhiều nhà đầu tư cá nhân - cũng được tích cực cập nhật hơn.

Chính nhờ vậy, trong tháng 7 và 8/2021, theo nhìn nhận của các chuyên gia chứng khoán, dòng tiền lớn đang tạm đứng ngoài chờ đợi cơ hội, nhưng giao dịch trên thị trường không quá ảm đạm, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vẫn luân chuyển sôi động qua các nhóm ngành.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đưa ra các con số minh chứng cho “sức khỏe dòng tiền cá nhân” trên thị trường, đó là, lũy kế 8 tháng đầu năm, khối này tiếp tục mua ròng khoảng 57.000 tỷ đồng, “cân” luôn lực bán ròng của khối ngoại (khoảng 1,55 tỷ USD) cũng như lượng hàng tự doanh, nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ra.

Theo báo cáo của FiinGroup, nhà đầu tư cá nhân mua ròng gần 16.700 tỷ đồng từ đầu tháng 8, cao gấp 7 lần mức mua ròng trong tháng trước đó.

Số dư tiền mặt của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đạt 70.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6, tăng 24,2% so với cuối tháng 3.

Tính đến cuối tháng 8, số dư này được một số bên tính toán ước đạt 90.000 tỷ đồng. Dòng tiền này được cho là đang chờ đợi một cơ hội lớn để gia nhập thị trường.

Sự gia nhập mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư mới cũng đẩy dư nợ margin tại các công ty chứng khoán liên tục thiết lập các kỷ lục. Số liệu cuối quý II/2021 cho biết, dư nợ margin tại các công ty chứng khoán đạt hơn 126.300 tỷ đồng, con số này đang được mở rộng dư địa khi các công ty chứng khoán đã lần lượt thực hiện tăng vốn, qua đó gia tăng khả năng cung cấp dịch vụ tài chính.

Theo con số thống kê của FiinGroup, tổng số vốn tự có của các công ty chứng khoán dự kiến tăng thêm 18.800 tỷ đồng trong năm 2021, riêng từ đầu năm đến nay đã hoàn thành tăng vốn gần 12.000 tỷ đồng. Điều này sẽ cho phép các công ty chứng khoán tăng trần vốn vay thêm tối đa là 24.000 tỷ đồng.

Trading ngắn hạn là xu hướng chủ đạo

Không khó để nhận thấy, khi các nhà đầu tư kinh nghiệm tỏ ra thận trọng hơn trong khoảng 2 tháng vừa qua, thậm chí, nhiều nhà đầu tư lớn tăng tỷ trọng tiền mặt đứng ngoài thị trường quan sát diễn biến dịch bệnh. Tuy vậy, dòng tiền các nhà đầu tư cá nhân vẫn đang tích cực hoạt động.

Các nhà đầu tư này không giấu được sự hào hứng khi bắt nhịp kịp các sóng ngành luân chuyển nhanh giai đoạn vừa qua, từ cảng biển, dầu khí, thép, dược phẩm, hay mới đây là dòng cổ phiếu than…

Nhà đầu tư Minh An chia sẻ, nhờ rút kinh nghiệm từ hồi mới tham gia thị trường, chị đã biết cách quyết định dứt khoát khi dòng tiền chuyển sang nhóm khác là bán ngay và nhập cuộc dòng mới.

Chị An cho biết, chị mạnh dạn vào dòng cổ phiếu cảng biển và than, cứ tăng là bán, giảm lại mua vào, dòng này đã giúp chị lấy lại phần nào mức giảm của cổ phiếu ngân hàng đã cắt lỗ trước đó.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, môi trường lãi suất thấp khiến dòng tiền có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận nhanh và đầu tư vào tài sản tài chính trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn và cơ hội đầu tư kinh doanh ít đi. Thị trường chứng khoán đã được tiếp cận một dòng tiền mới, nhanh và do đó, xu hướng đầu tư lướt sóng ngắn hạn sẽ chiếm ưu thế.

Số liệu của VSD cho thấy, lũy kế 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018 - 2020 cộng lại (tổng khoảng 837.345 tài khoản). Phần đông trong số này chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường. Theo đó, phong cách ưa chuộng vẫn là trading ngắn hạn, thay vì phân tích cơ bản, đánh giá triển vọng doanh nghiệp.

Những cũng chính bởi đặc tính này, nên hội chứng FOMO (tâm lý sợ bị bỏ lỡ) trên thị trường chứng khoán vẫn hiện hữu. Sự thiếu kiên nhẫn, tiếc nuối, thậm chí cả “cay cú” khi mua cổ phiếu chưa kịp tăng, nhìn sang danh mục bạn mình xanh rì đã nóng vội bán đi và vừa quyết định bán thì cổ phiếu lại tăng.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, dù là trading ngắn hạn, vẫn phải lắng nghe nhịp đập của thị trường - vốn chịu sự ảnh hưởng bởi các diễn biến, thông tin về vĩ mô, chính sách tiền tệ, và trong bối cảnh hiện nay là diễn biến dịch bệnh, các ngành nghề có triển vọng hậu dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần đưa ra các kịch bản ứng phó để linh động chuyển đổi vị thế, tận dụng từng nhịp điều chỉnh hay tăng của thị trường để tìm kiếm lợi nhuận, nếu không, cứ ở trong vòng luẩn quẩn và dễ thua lỗ.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ