“Mua thổ thì lời”
Xuân Quang (31 tuổi), cựu nhân viên tín dụng VietinBank, quyết định thôi việc để theo đuổi tham vọng làm giàu từ bất động sản. Trước đó, nhờ mối quan hệ khi còn làm ngân hàng, Quang từng “lướt sóng” thành công vài lô đất ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
“Nếu chỉ đi làm và tiết kiệm thì khó có thể làm giàu. Nhiều người bạn của tôi đã giàu lên nhờ đất đai nên tôi nghỉ việc để theo nghề “cạp đất”. Tôi đang tính mua vào 1-2 lô đất để đón đầu xu hướng hồi phục của thị trường”, Quang chia sẻ.
Chị Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) vừa cùng bạn đầu tư chung lô đất 90 m2 tại đường Bắc Sơn kéo dài thuộc xã Quyết Thắng (Thái Nguyên) với giá 1,45 tỷ đồng. Chị cho biết, lô đất thuộc dự án Mia Forest - Thái Nguyên, gần Khu du lịch Hồ Núi Cốc, sân golf Flamingo.
“Bạn tôi từng thành công với đất nền ở Bắc Giang, nên khi rủ đầu tư vào đất nền Thái Nguyên là tôi đồng ý ngay”, chị Hà nói và cho biết thêm, mặc dù đất nền Thái Nguyên giá đã tăng khoảng 15-20% so với thời điểm cuối năm ngoái, nhưng không có tình trạng sốt ảo và dư địa tăng còn nhiều nhờ quy hoạch hạ tầng tiếp tục được hoàn thiện.
Vừa bán một căn hộ chung cư cao cấp, anh Nguyễn Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) chuyển sang đầu tư đất nền với kỳ vọng “mua thổ thì lời” trong bối cảnh thị trường đất nền đang sốt nóng. Hiện anh sở hữu 2 nền đất trong dân, mặt đường trục chính tại Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), cách cầu Nhật Tân khoảng 1 km.
Anh Tùng cho biết, cách đây khoảng 3 năm, giá mỗi mét vuông đất ở đây chưa tới chục triệu đồng, nhưng nay tăng lên 15-30 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Anh đang tính qua Ba Vì khảo sát để đầu tư thêm khi giá đất đang sốt nóng.
“Thông tin quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ba Vì - Suối Hai khiến giá đất nơi đây hiện tăng tới 45% so với đầu năm 2021, nhưng so với các khu vực khác vẫn khá thấp nên tôi tính mua luôn trước Tết Nhâm Dần, bởi ra Giêng chắc chắn giá sẽ tăng tiếp”, anh Tùng nói và chia sẻ thêm, đã rủ thêm 2 người bạn để cùng đầu tư.
Tín hiệu tích cực
Hiện tại, nhiều người có tiền tích lũy có xu hướng đổ mạnh vào bất động sản, khi các ngành kinh doanh khác đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh. Số liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, cứ sau mỗi đợt dịch bùng phát, mức độ quan tâm tới bất động sản lại tăng mạnh, cụ thể: Sau đợt thứ nhất, mức độ quan tâm tăng 306%; đợt thứ 2 tăng 62%; đợt thứ 3 tăng 378% và đợt thứ 4 tăng105%.
Theo ông Lê Quang Mạnh, giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Nội, tâm lý nhà đầu tư địa ốc hiện khá hưng phấn sau thời gian dài bị dồn nén bởi các đợt giãn cách xã hội, cộng với việc không muốn bỏ lỡ cơ hội đón đầu thị trường khi Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn. Trong đó, đất nền vẫn là phân khúc được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt tại khu vực vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn cung đang khá khan hiếm, chưa có nhiều dự án mới, mà chủ yếu ở những dự án đấu giá trước đó, điều này đã đẩy mặt bằng giá tại nhiều dự án lên khá cao.
“Một điểm đáng chú ý là đa phần F0 hiện nay đều rất nhanh nhạy và bạo tay. Tại nhiều dự án, có những nhà đầu tư ôm từ vài đến vài chục lô đất cùng một lúc”, ông Mạnh chia sẻ thêm.
Cùng góc nhìn, Trần Minh - một môi giới bất động sản tự do cho hay, đất nền đang thu hút mạnh dòng tiền mới, tuy nhiên, đa số F0 tham gia thị trường thời điểm này đều từng đầu tư ở những kênh khác như chứng khoán, vàng, ngoại hối…, nay chuyển qua bất động sản để tìm kiếm cơ hội sinh lời mới, chứ không phải những “tay mơ”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản đánh giá, sự gia nhập của các nhà đầu tư mới không chỉ góp phần giúp thị trường sôi động hơn, mà còn là điểm tựa để thị trường sớm bứt phá. Tuy nhiên, ông Đính cũng cảnh báo, các nhà đầu tư F0 vốn ưa mạo hiểm, nên các cơ quan quản lý cần theo dõi chặt để tránh dẫn đến tình trạng sốt ảo.