Trở lại đường đua
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Eximbank, nhờ ghi nhận tăng trưởng mạnh ở chỉ tiêu dư nợ tín dụng, nhà băng này đã thu về kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, trong quý cuối năm 2022, Eximbank ghi nhận 1.438 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng tới 46% so với cùng kỳ năm 2021.
Lãnh đạo Ngân hàng cho biết, mức tăng cao của thu nhập lãi thuần chủ yếu đến từ dư nợ cho vay bình quân quý IV/2022 tăng so với cùng kỳ, đồng thời Eximbank cũng thu được một số khoản lãi từ xử lý nợ xấu giai đoạn này. Cơ cấu danh mục cho vay tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ danh mục cho vay theo định hướng giảm dần hạn mức các khoản vay không có tài sản bảo đảm, giảm tỷ trọng nhóm rủi ro cao. Ngoài ra, do lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và nước ngoài tăng, các khoản tiền gửi của Eximbank tại đây cũng mang về nhiều lợi nhuận hơn.
Không chỉ tăng trưởng cao ở mảng kinh doanh chính, các mảng kinh doanh ngoài lãi của Eximbank cũng ghi nhận sự tích cực trong quý IV/2022 như hoạt động dịch vụ tăng 33%, mang về 185 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối tăng gần gấp đôi, mang về 255 tỷ đồng. Các hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, thu từ góp vốn mua cổ phần, hoạt động khác ghi nhận kết quả giảm so với cùng kỳ, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Ngân hàng.
Qua đó, tổng thu nhập trong quý IV/2022 của Eximbank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ tăng mạnh 78%, lên 1.200 tỷ đồng, bao gồm chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí, chi cho nhân viên, chi về tài sản…, khiến lãi thuần trước chi phí dự phòng sụt giảm. Tuy vậy, nhờ khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh so với cùng kỳ, từ gần 500 tỷ đồng xuống còn hơn 110 tỷ đồng, giúp Eximbank vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế đạt 528 tỷ đồng quý IV/2022, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, Eximbank ghi nhận tổng doanh thu hơn 7.200 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm liền trước. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm giảm mạnh, chỉ tương đương 1/10 năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế sau trích lập tăng mạnh 207% so với năm trước, đạt 3.709 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận cao nhất của Eximbank trong một thập kỷ, cho thấy Ngân hàng đang dần trở lại giai đoạn hoàng kim 2010-2012. Lần gần nhất Eximbank có lợi nhuận trước thuế vượt 3.700 tỷ đồng đã diễn ra từ năm 2011 (lãi 4.056 tỷ đồng), thời điểm Ngân hàng vẫn nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất thị trường.
Năm 2022, Eximbank đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch tăng 127%, tương đương 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính 2022, nhà băng này đã hoàn thành vượt kế hoạch 48%.
Tự tin với mục tiêu năm 2023
Bên cạnh việc nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, Eximbank xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, cổ đông của Ngân hàng đã thông qua mục tiêu tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11%; dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 12,3%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,5%.
Trả lời cổ đông tại đại hội, ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý I/2023 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Lộc, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được đưa ra đã được Hội đồng quản trị Ngân hàng tính toán kỹ dựa trên dự báo tình hình kinh tế khó khăn và có phương án thực hiện tối thiểu.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cho biết thêm, trong nhiệm kỳ VII (2020-2025), Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển Ngân hàng lên hàng đầu, với mục tiêu trở lại Top 10 trong hệ thống. Do đó, Eximbank đã tái cấu trúc mạnh mẽ và năm 2023 sẽ tái cơ cấu toàn bộ các mảng, đi sâu vào xử lý nhân sự, quy trình, nâng cao hình ảnh và vị thế của Ngân hàng.
“Chúng tôi tự tin hoàn thành kế hoạch trong năm 2023 và quý I đã đi đúng lộ trình đó”, bà Tú nói và cho biết thêm, để hiện thực hóa các mục tiêu, Ngân hàng đã đề ra giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp về nền tảng khách hàng, sản phẩm và giá, quản trị rủi ro, công nghệ vận hành, tổ chức nhân sự, marketing, thương hiệu.
Với nền tảng khách hàng, Eximbank tiếp tục đặt trọng tâm và duy trì phát triển nền tảng khách hàng truyền thống, tìm kiếm khách hàng mới, gia tăng mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và giá trị sử dụng sản phẩm trên một khách hàng, đẩy mạnh bán chéo. Bên cạnh việc nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, Eximbank xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được chỉ đạo thường xuyên và quyết liệt.
Trong đó, “ngân hàng số” tương lai sẽ trở thành mô hình bán, cung cấp dịch vụ chủ yếu, có tính dẫn dắt và định hướng chuyển đổi cả mô hình kinh doanh và vận hành, đặc biệt là trong việc thu hút khách hàng mới. Theo đó, Ban lãnh đạo Eximbank xác định, kế hoạch hiện đại hóa công nghệ ngân hàng theo 4 trụ cột chính được lồng ghép phù hợp với chiến lược kinh doanh từng thời kỳ, kế hoạch 2022-2025 gồm: Số hóa thông tin (Digitization) - chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý sang kỹ thuật số); số hóa quy trình (Digitalization) - tự động hóa quy trình hiện tại, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả; số hóa toàn diện (Digital Transformation); an toàn bảo mật (Security) - đảm bảo an toàn, bảo mật cho hoạt động ngân hàng.
Với kết quả đạt được trong năm 2022 và kế hoạch tự tin trong năm 2023, cổ đông Eximbank đã dần lấy lại niềm tin với bộ máy nhân sự cấp cao của Ngân hàng sau thời gian dài bất ổn ở cấp "thượng tầng".