“Cánh tay nối dài” cho sự phát triển ổn định, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là mô hình đặc thù, khác biệt với các ngân hàng thương mại, có sự tham gia của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương…
Tín dụng do NHCSXH triển khai góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tín dụng do NHCSXH triển khai góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Điển hình của những điển hình

Ông Đinh Viết Bảo, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho biết, nằm trong vùng thường xuyên có thiên tai, hạn hán và dịch bệnh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Song thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện đã là công cụ tài chính đặc thù của Nhà nước nhằm hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Tính đến ngày 31/5/2025, tổng nguồn vốn trên địa bàn huyện là 1.307.207 triệu đồng, tăng 67.614 triệu đồng so với đầu năm (tốc độ tăng trưởng 5,4%). Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 1.299.598 triệu đồng, tăng 60.004 triệu đồng (+4,8%) so với cuối năm 2024 với 16.491 khách hàng còn dư nợ.

Qua đó, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động tín dụng chính sách là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giám sát và đồng hành của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Với tinh thần trách nhiệm cao, sự vào cuộc tích cực, sát sao của từng thành viên đã giúp Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đạ Huoai có vai trò nòng cốt trong việc định hướng, quản lý và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách; giúp nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng nơi, đúng lúc, hỗ trợ người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống”, ông Bảo cho hay.

Đáng chú ý, với 32 thành viên (trong đó Chủ tịch UBND xã, thị trấn 23 thành viên), Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đạ Huoai đã kịp thời tham mưu Huyện ủy, UBND huyện nên đến hết ngày 31/5/2025, nguồn vốn ngân sách địa phương Huyện ủy thác sang NHCSXH huyện đã tăng số tuyệt đối cao hơn các năm trước.

Theo đó, năm 2025, đơn vị đã nhận được ủy thác số tiền là 9.000 triệu đồng, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện đạt 49.479 triệu đồng.

Một minh chứng cho “cánh tay nối dài” hiệu quả của Ban đại diện HĐQT NHCSXH được ông Phạm Văn Nghị - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho sáp nhập đơn vị hành chính theo chủ trương của Trung ương, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban đại diện HĐQT và NHCSXH cấp trên, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hiệp Hòa tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

“Trong 5 tháng đầu năm 2025, có hơn 1.200 lượt khách hàng được vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến cuối tháng 5/2025 đạt 961 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt trên 3,61%; nợ quá hạn chiếm 0,07% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng được duy trì đảm bảo. Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ là công cụ tài chính đơn thuần, mà thực sự đã trở thành nguồn lực xã hội hóa bền vững, tiếp sức mạnh mẽ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng yếu thế trên địa bàn huyện có cơ hội vươn lên”, ông Nghị nói.

Gần dân, sát dân, phục vụ dân

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, mô hình tổ chức, bộ máy quản lý điều hành của NHCSXH là mô hình đặc thù, khác biệt với các ngân hàng thương mại, có sự tham gia của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Tại Trung ương, các đồng chí Ủy viên HĐQT đồng thời là lãnh đạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tại địa phương, các đồng chí trong Ban đại diện cấp tỉnh, cấp huyện đồng thời là chính quyền địa phương, có sự tham gia của các đồng chí Chủ tịch UBND xã.

Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động của NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm của các Ủy viên HĐQT, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các thành viên trong Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện.

Với vai trò là “cánh tay nối dài” của HĐQT tại địa phương, thời gian qua, Ban đại diện luôn đồng hành với hoạt động NHCSXH tại cơ sở, góp phần đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng người thụ hưởng, đúng mục tiêu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Nhấn mạnh về vai trò quan trọng của Ban đại diện HĐQT các cấp trong hoạt động của NHCSXH, đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW đến hết ngày 31/5/2025 - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, Ban đại diện HĐQT các cấp đã quyết liệt chỉ đạo NHCSXH các cấp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH.

Tính đến cuối tháng 5/2025, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 10.746 tỷ đồng so với cuối năm 2024, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 61.427 tỷ đồng.

“Sự tận tụy, trách nhiệm và gắn bó của các thành viên HĐQT, Ban đại diện HĐQT trong suốt thời gian qua là nhân tố then chốt góp phần tạo dựng uy tín, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Giai đoạn 2020-2025, tình hình kinh tế - xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, thường xuyên, trên diện rộng. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng ngày một nhiều hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo, đối tượng chính sách…

Hướng tới giai đoạn 2025-2030, tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng bình quân hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Hàng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH đảm bảo theo Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển NHCSXH đến năm 2030 như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được giao; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Đặc biệt, tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sắp tới đây, với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 60/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đội ngũ Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cũng sẽ có những thay đổi về tổ chức và nhân sự, mô hình, tổ chức NHCSXH tại địa phương sẽ được tiếp tục kiện toàn trên tinh thần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù, đảm bảo mạng lưới đơn vị NHCSXH, điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn để quản lý khoản vay, duy trì quan hệ với người vay theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 39-CT/TW và chỉ đạo của Chính phủ.

“Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy theo các nghị quyết, đề án của Trung ương và Chính phủ, cũng sẽ có những thay đổi về tổ chức và nhân sự, nhưng tôi tin tưởng rằng tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó và tâm huyết của các thành viên Ban đại diện HĐQT sẽ luôn là nền tảng vững chắc để NHCSXH tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Đức Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục