EVN lỗ lớn, cứu nguy cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng điện, nhà nước cần phải phối hợp giữa các nhóm chính sách thay vì thông qua việc xác định giá điện để hài hòa hóa lợi ích các bên.
EVN lỗ lớn, cứu nguy cách nào?

Theo kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Bộ Công thương mới công bố, năm 2023 EVN báo lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 21.821,56 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032,07 tỷ đồng, bao gồm phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện phần còn lại năm 2019 và khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các năm từ 2020 - 2023.

Tại Toạ đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 10/10, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, nếu giá bán điện thấp hơn giá mua vào và giá thành sản xuất, với tư cách là cơ quan phân phối điện thì EVN bị lỗ là điều nhìn thấy trước được, chênh lệch càng lớn thì lỗ càng lớn.

Cho dù EVN có tiết giảm chi phí đến mức độ nào nhưng sự chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra thì cũng không thể bù đắp lỗ. Chưa kể việc tiết kiệm chi phí này có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận hành hệ thống điện.

Nếu EVN tìm cách giảm giá mua điện đầu vào, các nhà sản xuất điện thiếu đi động lực sẽ tác động đến đầu tư cho ngành điện. Nếu giá bán điện không hợp lý thì không khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, chuyển đổi sang năng lượng tiết kiệm và năng lượng khác. Về mặt lâu dài không thể duy trì câu chuyện này.

Ông Hiếu cho rằng, nguyên nhân là tính giá bán điện có vấn đề và không hợp lý vì Việt Nam dùng giá điện để hài hòa lợi ích tất cả các bên gồm: người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất điện và đặt mục tiêu nhiều hơn cho người tiêu dùng.

“Về lâu dài, tôi kiến nghị đối với giá điện, phải tách bạch các nhóm chính sách. Để hài hòa hóa lợi ích giữa ba bên là nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng thì chúng ta phải phối hợp các nhóm chính sách chứ không thể thông qua việc xác định giá điện mà hài hòa hóa lợi ích các bên. Chúng ta nên phối hợp chính sách về ưu đãi thúc đẩy cạnh tranh, cắt giảm thủ tục hành chính, thuế….chi phí giảm tối thiểu, như vậy chúng ta mới có thể giảm giá sản xuất và giá bán”, ông Hiếu nói.

Tương tự với đơn vị phân phối cũng tính đến nhóm chính sách để thúc đẩy cạnh tranh trong phân phối điện như thúc đẩy cắt giảm chi phí ở mức hợp lý, có giá bán điện phù hợp để đảm bảo cho các bên phân phối điện.

Còn nhóm chính sách đối với người tiêu dùng thì theo nguyên tắc đặt bài toán giá bán điện trung bình ít nhất bằng hoặc lớn hơn giá mua vào thông qua người phân phối. Để hài hòa hóa lợi ích người tiêu dùng thì phải phối hợp chính sách.

“Trong trường hợp những người nghèo hoặc người có thu nhập thấp thì chúng ta phải phối hợp với chính sách an sinh xã hội và trợ cấp chứ chúng ta không thể thực hiện cách hiện nay”, ông Hiếu cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói thêm, nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất điện hiện nay nằm ngoài tầm tay EVN. EVN không tự tạo được mà phải mua của người khác, đây là những yếu tố rất khách quan, nếu biến động sẽ phản ánh hoàn toàn vào giá điện như giá than thế giới.

Tất cả những yếu tố đó khiến giá thành tăng cao mà giá cả thì không bù đắp được chi phí hợp lý đã chi ra để sản xuất điện. Nhà nước đang điều hành theo cách chia sẻ khó khăn cho các đối tượng tiêu dùng cũng như khó khăn của nền kinh tế để thực hiện đa mục tiêu, như đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng…

Do đó, nếu không có trợ lực của nhà nước bằng các công cụ khác thì khoản lỗ sẽ tích lũy lại, cứ dồn tích lỗ thì khó có thể thu hút đầu tư và phát triển bền vững.

“Tôi cũng rất tán thành là chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, những yếu tố khách quan để xử lý và mong muốn mọi người tiêu dùng điện chia sẻ khó khăn đó để có nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng cho cả nền kinh tế”, ông Thỏa bày tỏ.

Để cải cách giá điện, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng.

Khi đã có giá thành thì phải xác định đúng mục tiêu chính của việc điều hành giá điện trong mỗi một giai đoạn, cũng như đặt mục tiêu nào lên hàng đầu. Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện.

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực. Trong Luật Điện lực (sửa đổi) tới đây, nguyên tắc điều hành giá như thế nào, căn cứ điều hành giá như thế nào, quy trình điều hành giá ra sao... phải rất mạch lạc, như vậy, với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục