Giá bán điện là thách thức trong thu hút đầu tư vào ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Phan Đức Hiếu, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa.

Ngày 20/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng... Theo phân tích của các chuyên gia, cơ cấu giá điện hiện nay còn nhiều điểm chưa hợp lý, thậm chí phi lý, gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào sản xuất điện.

Việc tính đúng, tính đủ để có giá bán điện hợp lý là một yêu cầu tất yếu, khách quan phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và của nền kinh tế cũng như phục vụ các mục tiêu xã hội nói chung.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, giá điện không chỉ tác động đến ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế. Ví dụ giá điện được điều hành một cách đúng đắn và hợp lý sẽ thúc đẩy cả chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, cá nhân…

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Toạ đàm
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Toạ đàm

"Rất mừng là Chính phủ đang rà soát và sửa đổi Luật Điện lực và một số vấn đề đã được nhận diện, thể chế hoá trong dự thảo”, ông Hiếu nói.

Đồng thời, ông Hiếu đưa ra một số kiến nghị: “Thứ nhất, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa. Tôi nhất trí quan điểm hiện nay tính giá để xác định ra giá sản xuất. Nhà làm chính sách luôn phải biết được chi phí sản xuất ra 1 kWh điện chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành. Cứ tính đúng tính đủ, công bố công khai, so sánh với các nước. Về nguyên lý kinh tế, mọi nguồn lực phải được nhận diện đúng, hạch toán đủ về kinh tế hãy sản xuất.

Thứ hai, phải tách bạch. Liên quan đến cơ cấu ngành điện, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì cơ chế tài chính ở đây cần minh bạch, đâu là trợ cấp xã hội, đâu là bù giá, đâu là kinh doanh, phải tách bạch. Với giá như vậy, để giảm giá thành, tự khắc tạo áp lực cho doanh nghiệp cạnh tranh để giảm giá.

Thứ ba, tôi rất muốn thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực. Tính thị trường ở đây có nhiều yếu tố như khi nào giá cả đầu vào biến động thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát, bỏ ngỏ 6 tháng 1 năm mới điều hành thì đó không phải là thị trường. Tiếp đến là cạnh tranh trong bán lẻ. Rõ ràng, để dùng cơ chế thị trường nhiều hơn thì sẽ giảm giá bởi có cạnh tranh thì có xu hướng kiểm soát độc quyền, người tiêu dùng mới có cơ hội được hưởng giá cả cạnh tranh hơn.

Cuối cùng, cơ chế hiện nay chưa thực sự khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Tôi mong lần này trong cơ cấu quản lý giá, khung giá phải hướng mạnh đến việc thực sự tạo ra áp lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, phân khúc theo nhiều tiêu chí như mức độ sử dụng, giờ sử dụng… Tất cả những yếu tố này phải mang tính chất phân biệt và cạnh tranh hơn để tạo ra áp lực sử dụng tiết kiệm điện”, ông Hiếu chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động

Từ góc độ nhà sản xuất, đầu tư điện, ông Nguyễn Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho biết, nhiệt điện than theo lộ trình của Chính phủ sẽ tiết giảm đến năm 2030, dừng ở năm 2050 theo mục tiêu Net Zero. Như vậy, việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi...

“Theo quan điểm của tôi, để có thể triển khai được nguồn năng lượng tái tạo, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư phải tính đến lợi nhuận, mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá điện. Tốc độ phát triển của nguồn so với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại đang không tương xứng, nguồn điện cơ sở như thủy điện, điện than không được phát triển nữa, vấn đề thu hút như thế nào để phát triển được nguồn điện gió, năng lượng tái tạo?”, ông Tuấn cho biết.

Kiều Trang + Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục