Trong năm 2018, thị trường EU chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD của ngành da giày. Sau khi EVFTA được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu của ngành này vào thị trường EU dự báo sẽ vượt trên 12%/năm trong năm đầu tiên và tăng trên dưới 10% vào những năm tiếp theo.
Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP). Theo đó, các nước đang phát triển phải trả thuế thấp hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU. Cơ chế này cùng với các cam kết ưu đãi giảm thuế của Hiệp định EVFTA sẽ giúp sản phẩm da giày Việt Nam cạnh tranh hơn các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường châu Âu.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành hàng có nhiều thuận lợi sau khi EVFTA được thông qua. Với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn do EU đặt ra để được hưởng thuế suất ưu đãi.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày đang dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA.
Ông Bill Watson, Tổng giám đốc Công ty TNHH Coats Phong Phú chia sẻ, EU đã có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và Nhật Bản. Sau khi những hiệp định này có hiệu lực, xuất khẩu của Công ty vào thị trường EU tăng mạnh. Do đó, ông rất lạc quan về triển vọng ngành da giày Việt Nam sau khi hiệp định EVFTA được thông qua.
Trên thực tế, sản phẩm “Made in Việt Nam” đã có được sự tin tưởng của người tiêu dùng châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư ngoại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày đang dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA. Việt Nam là nước đứng vị trí thứ 2 về sản xuất giày, sau Trung Quốc. Cứ mỗi 1% sản xuất da giày dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ giúp ngành da giày Việt Nam tăng trưởng 10%.
Bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất thiết bị và công nghệ cho ngành da giày Italy (ASSOMAC) nhận định, Việt Nam sẽ có những thuận lợi nhất định như giảm hàng rào thuế quan vào châu Âu khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là, phía châu Âu sẽ áp dụng những điều luật mới cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua châu Âu.
“Sản xuất giày tại Việt Nam còn hạn chế nhiều bởi sản xuất bằng chất liệu tổng hợp. Việt Nam cần phải nâng tầm công nghệ với những công nghệ mới, cũng như hội nhập vào ngành sản xuất da giày của thế giới”, bà Gabriella nói.
Trên thực tế, theo ghi nhận của các chuyên gia, đã có sự chuyển dịch đơn hàng gia công giày dép từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về nhân công cũng như đón đầu các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do trong vài năm qua. Tháng 2/2019, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã khởi công nhà máy sản xuất có vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm tại Đồng Nai, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Cùng với đó, công ty sản xuất giày và đồ thể thao của Mỹ là Brooks Running cũng sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng Adidas từng cho biết, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của Adidas sẽ tiếp tục. Rất có thể, kết thúc năm 2019 hoặc 2020, Việt Nam sẽ là nơi sản xuất hơn một nửa số lượng giày Adidas trên thế giới.
Với dòng vốn FDI chảy mạnh vào lĩnh vực da giày và Hiệp định EVFTA được ký kết, Lefaso cho rằng, ngành này có thể tự tin sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 21,5 - 22 tỷ USD trong năm 2019.