Đây là nhận định của nghị sĩ châu Âu Geert Bourgeois, người trình bày báo cáo sơ bộ 36 trang về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) trong phiên thảo luận mới đây của Nghị viện châu Âu.
Mục tiêu đề ra trong EVFTA là xóa bỏ 99% thuế quan áp lên hàng hóa của hai bên trong lộ trình 7 năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 15 tỷ EUR/năm đến năm 2035, còn xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 8,3 tỷ euro.
“Mỗi tỷ EUR hàng hóa EU sang Việt Nam sẽ giúp tăng thêm 14.000 việc làm được trả lương cao ở EU. Thỏa thuận (EVFTA) hoàn toàn nằm trong tham vọng của EU để trở thành thế lực lớn trên sân chơi toàn cầu”, nghị sĩ Bourgeois cho biết.
Theo đánh giá của nghị sĩ Bourgeois, hoạt động thương mại và đầu tư tại Việt Nam diễn ra rất sôi động, nhưng từng đó là chưa đủ bởi Việt Nam là thị trường năng động với cơ cấu dân số trẻ.
“Với mức tăng trưởng 6-7%/năm, Việt Nam rất có sức hút với nhà đầu tư châu Âu”, ông Bourgeois khẳng định.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 42,5 tỷ EUR, ở chiều ngược lại, EU thu về 13,8 tỷ EUR từ xuất hàng hóa sang thị trường Việt Nam. EVFTA, với những cam kết tạo thuận lợi thương mại song phương, sẽ kích thích tăng trưởng xuất khẩu của cả hai bên.
EVFTA mở ra cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt là bưu chính, ngân hàng, vận tải biển và mua sắm công, đồng thời cũng giúp bảo vệ nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ uống của EU như rượu sâm panh Pháp, phô mai Hy Lạp khỏi tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam.
Trong khi đó, trà Mộc Châu hay cà phê Buôn Ma Thuột và nhiều sản phẩm khác của Việt Nam cũng được bảo vệ tại châu Âu theo cam kết trong EVFTA.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ hưởng lợi từ EVFTA khi được miễn thuế vào thị trường EU so với hàng hóa từ các quốc gia phát triển khác.
Việt Nam ngay “sát nách” Trung Quốc và có mối quan hệ gần gũi với Mỹ. “Điều quan trọng là EU phải tăng cường quan hệ với Việt Nam”, Bourgeois nhận định.
EVFTA là hiệp định thương mại đầu tiên mà Nghị viện châu Âu mới được bầu lại xem xét bỏ phiếu. “Do vậy, chúng ta phải thể hiện được mong muốn thiết lập tiêu chuẩn trên toàn cầu và hướng đến sự thịnh vượng và tạo ra việc làm”, nghị sĩ Bourgeois nói.
Đối với EVIPA, đây là hiệp định nhằm đảm bảo tính dễ đoán của các quy định luật pháp cho nhà đầu tư. Nếu xảy ra tranh chấp, sẽ có khung pháp lý để giải quyết các tranh chấp đó bởi Việt Nam đã chấp thuận xây dựng hệ thống tòa án đầu tư một cách hiện đại, tương tự như hệ thống mà EU đã thống nhất với Canada, nghị sĩ Bourgeois cho biết thêm.
Hệ thống này gồm các thẩm phán độc lập, bộ quy tắc ứng xử riêng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận. Điều này tạo sự ổn định và niềm tin cho các doanh nghiệp nhỏ của EU.
EVFTA cũng là cú hích để cải thiện tiêu chuẩn ngoài EU. Riêng về điều kiện lao động, Việt Nam phải tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và xây dựng thành các quy chuẩn lao động riêng.
Về việc đảm bảo điều kiện môi trường, Việt Nam là quốc gia cam kết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. “EU hướng tới mục tiêu trung lập carbon và chúng ta phải tạo sân chơi sòng phẳng với các quốc gia khác. Nếu chúng ta làm tốt, thì mới có thể hy vọng các nước khác làm tốt. Như vậy, thỏa thuận EVFTA rõ ràng bao trùm cả vấn đề về khí hậu”, ông Bourgeois nhấn mạnh.