EVFTA có hiệu lực, phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì

EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa 2 bên sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên, từ đó dẫn tới gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại và tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.
EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên. EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang ngày càng đóng vai trò tích cực đối với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các Hiệp định FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng.

Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3 năm 2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....   

Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp) cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước.

Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để “bảo vệ” các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.

Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ông Lê Triệu Dũng cho biết, khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương sẽ tăng, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu).

Việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.

Ngoài ra, theo ông Dũng, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại  mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động phòng vệ thương mại  cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.

Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại trong EVFTA dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Những điểm mới đó, gồm việc bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này).

Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dung và các doanh nghiệp hạ nguồn).

EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Thế Hải
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục