Evergrande đang được thiết lập để tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các nhà phân tích, Evergrande có thể đang chuẩn bị tiến tới tái cơ cấu nợ bao gồm tất cả trái phiếu công và nợ tư nhân ở nước ngoài.
Evergrande đang được thiết lập để tái cấu trúc

Hôm thứ Ba (7/12), Evergrande cho biết, họ đang thành lập một ủy ban quản lý rủi ro, trong đó ủy ban này sẽ đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ các rủi ro trong tương lai cho công ty.

Thông tin này đã góp phần tăng cổ phiếu của công ty từ mức thấp kỷ lục. Cổ phiếu của các công ty bất động sản niêm yết tại Hồng Kông cũng tăng vọt.

Động thái này cũng được thúc đẩy sau khi Trung Quốc hướng tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Hôm thứ Hai (6/12), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay. Điều này sẽ giải phóng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (282 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng đang chậm lại trong bối cảnh đại dịch.

Martin Hennecke, người đứng đầu bộ phận truyền thông và tư vấn đầu tư châu Á tại St. James’s Place cho biết: “Có vẻ như việc tái cơ cấu các trái phiếu công và nợ tư nhân ở nước ngoài của Evergrande sẽ sớm diễn ra”.

Trung Quốc chuyển sang nới lỏng chính sách

Các nhà phân tích cho biết, việc Trung Quốc chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ rất đáng chú ý trong việc xoay chuyển tình thế đối với thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.

“Điều rất đáng chú ý theo quan điểm của tôi gần đây nhất là luận điệu của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, với trọng tâm là nới lỏng, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng hạn chế rộng rãi hơn đối với lĩnh vực bất động sản, một cam kết ổn định vào năm 2022 và tập trung vào hỗ trợ kinh tế thông qua nhiều các công cụ chính sách tiền tệ”, chiến lược gia Hennecke cho biết.

Chiến lược gia Hennecke cho biết thêm, việc nới lỏng của Trung Quốc đặc biệt có ý nghĩa vì chính lập trường cứng rắn của chính phủ trong việc giảm nợ và các biện pháp thắt chặt khác trong lĩnh vực bất động sản đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại.

“Có lẽ quan trọng hơn thông báo về cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là quyết định của PBOC được theo sau chặt chẽ bởi một tuyên bố từ ủy ban trung ương về việc cam kết ổn định nền kinh tế vào năm 2022, báo hiệu việc nới lỏng một số hạn chế tài sản,” Rodrigo Catril, chiến lược gia FX cấp cao tại National Australia Bank cho biết.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các động thái của chính phủ nhằm xử lý nợ. Các vấn đề của Evergrande trở nên nhức nhối sau khi các nhà chức trách đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" vào năm ngoái. Chính sách đó đặt ra một giới hạn đối với nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty. Điều đó bắt đầu kìm hãm các nhà phát triển bất động sản sau nhiều năm tăng trưởng do nợ nần chồng chất.

Những lo lắng về khoản nợ khổng lồ của Evergrande đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh lo ngại về khả năng lan rộng sang phần còn lại của ngành bất động sản Trung Quốc hoặc thậm chí là nền kinh tế rộng lớn hơn.

Khi cuộc khủng hoảng nợ hiện hữu, các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu rơi vào tình huống căng thẳng về mặt tài chính khi một số công ty đã bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi trái phiếu đến hạn, trong khi một số công ty khác rơi vào trường hợp vỡ nợ hoàn toàn.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục