Cụ thể, Xí nghiệp Thực phẩm MEKONG DELTA - CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (DL 369) bị cảnh báo đối sản phẩm cá tra đông lạnh do chất lượng cảm quan không đạt yêu cầu (có mùi Amoniac trong sản phẩm) và trong sản phẩm có chứa Sodium carbonates (E 500) không được phép sử dụng.
Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (DL 14) bị cảnh báo đối với mặt hàng cá tra đông lạnh do có chứa Sodium Erythorbate (E 316) không được phép sử dụng; Công ty Cổ phần Foodtech (DH 174) bị cảnh báo mặt hàng cá ngừ đóng hộp do chỉ tiêu Histamine; Công ty Cổ phần Khang Thông-Nhà máy chế biến thủy sản (DL 621) bị cảnh báo mặt hàng cá cờ kiếm do có chỉ tiêu thủy ngân.
Theo đó Nafiqad yêu cầu các cơ sở sản xuất có lô hàng bị cảnh báo rà soát toàn bộ hồ sơ kiểm soát nguyên liệu, hồ sơ quản lý sản xuất và thực hiện các chương trình quản lý chất lượng, để xác định nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm, thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản, lập báo cáo giải trình gửi về Nafiqad trước ngày 21/5.
Ngoài ra, hai cơ sở bị cảnh báo phụ gia không được phép sử dụng cần cập nhật và tuân thủ quy định của EU (quy định EC số 1129/2011 ngày 11/11/2011) về hóa chất phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản khi xuất khẩu vào EU.
Nafiqan cũng yêu cầu các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng thực hiện kiểm tra ngoại quan về thông tin ghi nhãn thành phần phụ gia và việc sử dụng phụ gia trong quá trình sản xuất đối với các lô hàng cá tra xuất khẩu vào EU. Ngoài ra, đối với DL 369: Đánh giá thêm chất lượng cảm quan sản phẩm. Đồng thời thực hiện chế độ lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu đối với chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu bị cảnh báo theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 36 của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ NN&PTNT.