“EMA sẽ đánh giá sự tuân thủ của Sputnik V với các tiêu chuẩn thông thường của Liên minh Châu Âu về tính hiệu quả, an toàn và chất lượng. Mặc dù EMA không thể dự đoán các mốc thời gian tổng thể, nhưng sẽ mất ít thời gian hơn bình thường để đánh giá tính hiệu quả cuối cùng”, EMA cho biết trong một tuyên bố.
EMA đang sử dụng biện pháp đánh giá luân phiên để nghiên cứu dữ liệu cho vắc xin được phát triển ở Nga. Điều này cho phép cơ quan y tế châu Âu đánh giá hiệu quả khi họ nhận được tất cả các thông tin cần thiết trước khi nhà sản xuất vắc xin có thể chính thức xin cấp phép. Bằng cách phân tích các nghiên cứu trước khi đăng ký, sự chấp thuận tiềm năng của EMA có thể nhanh hơn bình thường.
Thông tin này được đưa ra sau khi một số quốc gia châu Âu cho biết rằng họ có thể bắt đầu sử dụng vắc xin Sputnik V và bỏ qua sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Slovakia và Hungary đã đặt hàng vắc xin của Nga trong khi Cộng hòa Séc và Áo đang xem xét loại vắc xin này.
Vào tháng 1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà “cởi mở” với việc sản xuất vắc xin của Nga tại Liên minh châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 2 đã đặt câu hỏi tại sao Nga lại cung cấp quá nhiều loại vắc xin cho các quốc gia khác trong khi dân số nước này vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
“Nhìn chung, tôi phải nói rằng chúng tôi vẫn tự hỏi tại sao Nga đang cung cấp hàng triệu liều vắc xin về mặt lý thuyết trong khi không đủ tiến bộ trong việc tiêm chủng cho người dân của họ. Đây cũng là một câu hỏi mà tôi nghĩ cần được trả lời”, bà nói.
Các quốc gia châu Âu đang chịu áp lực đẩy nhanh việc triển khai vắc xin vì chương trình tiêm chủng ở đây đang tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới khi so sánh với Israel, Mỹ và Anh.
EU hầu như vẫn đang phải đóng cửa do các hạn chế xã hội và điều này đang gây thiệt hại cho nền kinh tế và sinh kế của người dân.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã đề cập rằng EMA quá chậm trong việc phê duyệt vắc xin để chống lại đại dịch.
EMA cho đến nay đã phê duyệt 3 loại vắc xin là Pfizer, AstraZeneca và Moderna.
Ngoài ra, các nước châu Âu đã chỉ trích các công ty dược phẩm về một số rào cản trong sản xuất và phân phối vắc xin.
Các quốc gia châu Âu đã đồng ý rằng hành động phối hợp sẽ là cách tốt nhất để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu đàm phán hợp đồng với các công ty dược phẩm.
Tuy nhiên, theo luật châu Âu, các nước thành viên EU vẫn được phép phê duyệt vắc xin của riêng mình mà không cần chờ phê duyệt ở cấp EU.