Trong những công ty do Musk sáng lập, một công ty đang cố gắng mở ra một xu thế mới cho ngành ô tô, một công ty khác đang cố gắng đưa người lên sao Hỏa và một công ty khác nữa đang cố gắng đưa điện năng đến tất cả mọi nơi trên thế giới. Elon Musk dường như đang muốn tái tạo lại cả thế giới, cả thời đại mình sống, chỉ trong một cuộc đời hữu hạn.
Từng có trong tay 180 triệu USD tiền lãi sau khi bán dịch vụ thanh toán Paypal của mình cho eBay, Elon Musk khi ấy lẽ ra đã có thể nghỉ hưu ở tuổi 32, hoặc thiết lập một quỹ đầu tư mạo hiểm để rót tiền cho các doanh nhân trẻ “khát vốn” như cách mà nhiều người ở thung lũng Silicon vẫn làm. Nhưng không, Elon Musk đã không làm vậy.
Kể từ khi internet bùng nổ vào khoảng giữa những năm 90, đã có nhiều ý kiến phàn nàn rằng, trong khi những bộ óc tinh túy nhất của thời đại này đều đang tập trung vào việc tìm ra những cách thức mới để làm giàu trên sàn chứng khoán hoặc chắp vá những phần mềm, thì dường như một bức tranh lớn hơn đã bị quên lãng. Liệu có còn người nào có thời gian để ngước lên, mơ về việc xây dựng những công trình trên mặt trăng hay không?
Và trăn trở đó cuối cùng cũng có câu trả lời là Elon Musk.
Tham vọng chinh phục vũ trụ
Năm 2002, Elon Musk sáng lập Space X, một công ty tư nhân tập trung vào việc định hình lại ngành hàng không vũ trụ. Với Space X, những kế hoạch to tát như phóng tên lửa, đặt chân lên hành tinh khác… giờ đây không chỉ còn là câu chuyện của cấp chính phủ quốc gia. Musk đã tự mình xây dựng nên một lãnh địa riêng và từng bước thực thi những kế hoạch có vẻ không tưởng đó.
Một trong những cột mốc quan trọng nhất của SpaceX là dùng tên lửa Falcon 9 đưa tàu vũ trụ không người lái Dragon lên Trạm không gian quốc tế (ISS) vào tháng 5/2012. Thành tựu này đã giúp SpaceX ghi tên vào lịch sử hàng không vũ trụ thế giới với tư cách là công ty tư nhân đầu tiên đưa được tàu vũ trụ lên ISS.
Sau vụ phóng, tổng giá trị của Space X trên thị trường đã tăng mạnh lên 4,8 tỷ USD, theo trang VentureBeat. Tính đến hiện tại, nhân sự của Space X đã lên đến hơn 4.000 người, trong đó có nhiều kỹ sư và nhà khoa học vũ trụ hàng đầu thế giới.
Elon Musk xem việc khám phá không gian như một bước ngoặt trong việc mở rộng tầm hiểu biết của loài người. Musk từng phát biểu rằng, sự sống ở đa hành tinh sẽ giúp chống lại các nguy cơ có khả năng ảnh hưởng đến sự diệt vong của con người.
Do đó, với Space X, Musk đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa con người lên sống trên sao Hỏa, với niềm tin rằng con người sẽ xây dựng được một nền văn minh mới trên hành tinh này.
Theo kế hoạch, những chuyến tàu thử nghiệm đầu tiên sẽ được tiến hành trong năm 2018, và những chuyến bay một chiều chở theo người lên sao Hỏa sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Thay đổi ngành công nghiệp ô tô
Năm 2003, một năm sau khi thành lập Space X, Musk lại tiếp tục lập ra Tesla Motors, nhắm tới mục tiêu sản xuất ô tô chạy hoàn toàn bằng điện.
Khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến Tesla Motors đứng trước nguy cơ phá sản. Lúc ấy, ngoài bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động, Musk đã đứng lên nắm quyền với tư cách CEO kiêm trưởng ban sáng tạo và thiết kế.
Thực tế, việc phát triển xe điện quá rủi ro bởi nguồn năng lượng cho xe không sẵn có như những cây xăng cắm chốt đủ các tuyến đường. Thế nhưng, với định hướng rõ ràng, Musk vẫn tự tin là có khả năng thôn tính thị trường mới nổi này.
Theo đó, Tesla đầu tư trước tiên vào phát triển những chiếc xe hạng sang để thu hút sự quan tâm tới xe điện. Lợi nhuận ban đầu sẽ được sử dụng nhằm nuôi mục đích lâu dài là cung cấp ô tô điện với giá thành rẻ hơn nhiều cho mọi người dân, giảm đáng kể lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Chiến lược của Elon Musk đã có những thành công nhất định. Sau khi mẫu xe Model S giành được nhiều giải thưởng xe điện tốt nhất và thân thiện với môi trường năm 2012; thì đến thời điểm 2016, Tesla cho ra mắt mẫu xe Tesla Model 3 với mức giá cực rẻ, chỉ 35.000 USD.
Ngoài ra, Tesla Model 3 còn có được khả năng tự lái. Dòng xe này đã gợi mở ra hai xu hướng lớn cho tương lai của ngành công nghiệp ô tô nói chung, đó là xe chạy bằng điện và xe không người lái.
Giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng toàn cầu
Musk vốn có mối quan tâm sâu sắc đến công nghệ xanh và phát triển bền vững. Từ lâu, Musk đã nghiên cứu và nhìn ra ý nghĩa của năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời tập trung trên bề mặt trái đất trong 1 giờ là ngang với tổng năng lượng tiêu thụ toàn thế giới từ mọi nguồn trong vòng 1 năm. Vấn đề là làm sao tăng hiệu năng chuyển hoá của pin.
Để tạo nên nguồn hỗ trợ đắc lực cho Tesla, Musk đầu tư vào SolarCity, một trong những những công ty lớn nhất thế giới về sản xuất pin năng lượng mặt trời cho gia đình - thành lập năm 2006 bởi hai anh em họ của Musk là Lyndon và Peter Rive.
SolarCity thiết kế và lắp đặt hệ thống điện mặt trời sạch, đồng thời sản xuất lắp ráp các trạm nạp điện cho xe điện. Đến tháng 8/2016, Tesla đã mua lại SolarCity với giá 2,6 tỷ USD. Đây được coi như một động thái giúp Elon Musk củng cố đế chế năng lượng của mình.
Song song với SolarCity, Musk vẫn đang gấp rút xây mở rộng quy mô nhà máy khổng lồ Gigafactory nhằm đáp ứng được nhu cầu cực lớn của pin điện được lắp đặt trong các xe Tesla Model 3. Theo dự tính, đến quý II/2017, Gigafactory mới hoàn thành được 31%. Khi hoàn thiện, toàn bộ mái của các nhà xưởng đều sẽ được lợp tấm năng lượng mặt trời.
Gigafactory sẽ dùng chính năng lượng mình tạo ra để sử dụng cho quá trình sản xuất. Các chuyên gia ước tính, một khi Gigafactory hoạt động hết công suất, nó sẽ tạo ra được lượng điện năng lượng mặt trời tương đương với cả thế giới tạo ra trong năm 2014.
Nghiên cứu, đầu tư vào nhiều dự án đình đám khác
Ba mảng nghiên cứu nặng ký kể trên vẫn không đủ cho “người sắt” Elon Musk thỏa mãn tối đa. Những năm gần đây, Musk đã đưa ra vô số ý tưởng, kế hoạch khác không kém phần “viễn tưởng”; đồng thời nghiên cứu, đầu tư một cách kỹ lưỡng với niềm tin sắt đá không kém. Trong đó, không thể không kể đến ý định phóng hơn 4.000 vệ tinh lên không để phủ sóng internet cho toàn cầu, đầu tư vào phát triển trí tuệ nhân tạo tại công ty DeepMind, hay đại chúng hóa ý tưởng tàu siêu tốc Hyperloop với vận tốc 1.200km/giờ - thứ công nghệ sẽ cách mạng hóa toàn bộ ngành giao thông.
Nhìn lại, toàn bộ các công ty, các ý tưởng, các kế hoạch có vẻ “điên rồ” của Musk đã đều được vận dụng nguyên lý tích hợp theo chiều dọc để hỗ trợ cho nhau một cách ấn tượng, tạo nên sức mạnh cho người sắt phiên bản đời thực.
Với những kế hoạch kiến tạo thế giới lớn lao như vậy, không ngạc nhiên khi Elon Musk vượt qua Jeff Bezos, Mark Zuckerberg và Steve Jobs trở thành vị lãnh đạo giới công nghệ được thần tượng nhất. Theo khảo sát công bố ngày 1/12/2016 của hãng nghiên cứu First Round Capital, trong danh sách hơn 700 đại diện, Elon Musk đã giành được 23% số phiếu bầu, đứng nhì là Jeff Bezos của Amazon với 10%, Zuckerberg là 6% và Steve Jobs là 5%.