Lãnh đạo doanh nghiệp lớn hết thời “quá to để vào tù”

(ĐTCK) Trong tuần qua, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã công bố cáo buộc hình sự đối với 6 vị giám đốc Volkswagen về trách nhiệm của các lãnh đạo này trong vụ bê bối gian lận khí thải của Công ty.
Lãnh đạo doanh nghiệp lớn hết thời “quá to để vào tù”

Danh sách 6 vị lãnh đạo bao gồm cả cựu giám đốc phát triển thương hiệu Volkswagen và người đứng đầu bộ phận phát triển động cơ của hãng.

Trong số đó, ông Oliver Schmidt - người đứng đầu bộ phận tuân thủ quy định tại Mỹ của hãng xe trong năm 2014, 2015 - đã bị bắt giữ tại Florida (Mỹ) tuần trước. Cả FBI lẫn Bộ Tư pháp Mỹ đều cho rằng, Oliver Schmidt là nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối khí thải của Volkswagen. 5 người còn lại được cho là đang ở Đức.

Phía Volkswagen trước đó đã chính thức thừa nhận cài phần mềm gian lận cho khoảng 11 triệu xe trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 600.000 xe tại Mỹ, nhằm giúp những chiếc xe này qua được các bài kiểm tra về khí thải của các cơ quan chức năng. Mức khí thải thực tế của xe có thể cao gấp 40 lần quy định cho phép.

Hãng sản xuất ô tô Đức đã phải chi trả 4,3 tỷ USD cho các hình phạt hình sự và dân sự của FBI, nâng tổng chi phí cho việc giải quyết hậu quả bê bối khí thải này lên tới 20 tỷ USD. Đây được coi là một trong những khoản bồi thường tốn kém nhất trong lịch sử.

Trường hợp của Volkswagen cũng được coi như “bài kiểm tra lớn đầu tiên” trong cam kết của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, về việc sẽ buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với hậu quả của các vụ bê bối.

Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã bị chỉ trích trong nhiều năm qua là quá “dễ dàng” với các ngân hàng gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái lớn. Những tổ chức tài chính này đã phải trả khoản phạt lớn và giải quyết án dân sự, tuy nhiên các vị giám đốc điều hành thì vẫn trốn tránh trách nhiệm cá nhân.

Những công ty lớn từ trước tới nay hiếm khi phải đối mặt với cáo buộc hình sự và được gán cho cái mác trào phúng là “quá lớn để có thể vào tù”. Và giờ đây, tình thế của các “ông lớn” đã thay đổi.

“Trường hợp Volkswagen là một ví dụ tuyệt vời cho thực tế rằng, không có công ty nào là quá lớn, không có công ty nào là quá toàn cầu, không có công ty nào là ngoài vòng pháp luật”, ông Andrew McCabe, Phó giám đốc FBI nhấn mạnh.

Một phần quan trọng trong công tác giải quyết bê bối là Volkswagen sẽ bị quản chế trong 3 năm, chịu sự giám sát của một đơn vị giám sát độc lập. Hãng xe cũng phải hợp tác trong cuộc điều tra các cựu nhân viên có liên quan.

Ông Matthias Müller, Giám đốc điều hành (CEO) của Volkswagen phát biểu: “Volkswagen vô cùng hối tiếc về hành vi đã dẫn tới cuộc khủng hoảng. Từ khi tất cả được đưa ra ánh sáng, chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đền bù đúng cho những khách hàng bị ảnh hưởng. Các thỏa thuận mà chúng tôi đã ký kết với chính phủ Hoa Kỳ phản ánh quyết tâm của chúng tôi trong việc giải quyết các hành vi sai trái, các hành vi đã đi ngược lại giá trị của Volkswagen. Các thỏa thuận đó sẽ là một bước đi quan trọng đối với công ty chúng tôi, cũng như tất cả nhân viên”.

Rõ ràng, trường hợp của Volkswagen có ý nghĩa nhắc nhở không nhỏ đối với các nhà lãnh đạo tại mọi tổ chức, theo đó, họ sẽ phải rút ra bài học rằng, cần chú trọng hơn tới trách nhiệm của mình trong mọi khía cạnh của doanh nhiệp, từ đạo đức nghề nghiệp cho tới giải quyết khủng hoảng.

Ngoài Volkswagen, có thể nhìn sang ngân hàng Well Fargo để thấy các lãnh đạo doanh nghiệp đang phải chịu trách nhiệm ngày một lớn hơn. Trong cuộc khủng hoảng của Well Fargo năm ngoái, cựu CEO John Stumpf đã tìm mọi cách để giải quyết bê bối mà vẫn giữ nguyên chiếc ghế của mình. Tuy nhiên, phương thức đó đã không hiệu quả, John Stumpf buộc phải từ chức. Một khi văn hóa doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, cách duy nhất để xây dựng lại là tái cơ cấu từ trên xuống dưới, buộc những lãnh đạo liên đới phải chịu trách nhiệm.

Tuy vậy, John Stumpf cũng như nhiều lãnh đạo khác vẫn còn may mắn khi đã được giảm tội. Trong trường hợp Volkswagen, bản cáo trạng dành cho 6 vị lãnh đạo đã đưa vấn đề “trách nhiệm cá nhân” trong đội ngũ lãnh đạo lên một cấp độ mới. Họ đã bị buộc tội hình sự. Đây thực sự là một bài học lớn cho tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong việc nhận thức rằng mình phải sẵn sàng nhận trách nhiệm một cách nghiêm túc khi xảy ra khủng hoảng. 

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục