Dòng xe Volkswagen liên tục gặp họa

Sau vụ lùm xùm gian lận khí thải năm 2015, hãng sản xuất khổng lồ của Đức tiếp tục dính cáo buộc sử dụng thiết bị công nghệ lừa cơ quan môi trường. Lần này là Audi, dòng xe đắt khách của Volkswagen.

Tuần trước, Bild am Sonntag, ấn bản Chủ nhật bán chạy nhất tại Đức, cho biết, Volkswagen đang đối mặt với vụ kiện về gian lận khí thải tại tòa án Mỹ, liên quan tới các thiết bị gắn trên dòng xe Audi.

Một lần nữa, Volkswagen lại xuất hiện thông tin dính liền với vấn đề pháp lý và niềm tin của người sử dụng.

Theo hồ sơ tại tòa án ở bang Illinois (Mỹ), dòng xe Audi chạy xăng của Volkswagen bị cáo buộc sử dụng loại thiết bị gian lận lượng thải CO2, khí gây tình trạng ấm lên toàn cầu, AFP cho biết. Năm 2015 trong vụ kiện 14,7 tỷ USD, Volkswagen đã thừa nhận việc gắn thiết bị gian lận khí thải trên hàng triệu chiếc xe chạy dầu diesel bán ra trên toàn thế giới.

Vụ việc gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi và khiến uy tín của Volkswagen sụt giảm đáng kể, quét sạch 35% giá trị thị trường của họ tính tới ngày 22/9.

Dòng xe Volkswagen liên tục gặp họa ảnh 1

Volkswagen đã thừa nhận việc gắn thiết bị gian lận khí thải trên hàng triệu chiếc xe chạy dầu diesel bán ra trên toàn thế giới 

Bild am Sonntag ngày 5/11 cho biết, cơ quan Tài nguyên Không khí California thông báo tìm thấy bằng chứng về dạng thiết bị giúp giảm lượng khí CO2 thoát ra trên một số dòng xe chạy xăng 3.0 của Audi. Khác với vụ năm 2015, dạng thiết bị lần này tinh vi hơn nhiều.

Theo giải thích của giới công nghệ, thiết bị này giúp các dòng xe trên tự động phát hiện xe có thể đang bị kiểm tra. Cụ thể, nếu bánh xe di chuyển liên tục trong khi vô-lăng không quay, dạng thiết bị này sẽ đoán rằng, xe không phải đang chạy trên đường và tự động điều chỉnh mức thải CO2.

Năm 2015, Volkswagen bị phát hiện đặt dạng công tắc được gọi là "thiết bị triệt tiêu", có thể được tài xế kích hoạt trong lúc tiến hành kiểm tra khí thải, nhưng năm nay thì họ không cần nhấn nút.

"Trong suốt vụ bê bối xe chạy dầu diesel kéo dài cả năm qua, Audi đã chọn cách tiếp tục lừa dối người tiêu dùng với một thiết bị gian lận cài đặt trong thậm chí nhiều phương tiện do họ sản xuất hơn nữa", AFP ngày 9/11 dẫn lời Steve Berman, một đối tác của Audi.

Còn trang Market Watch khẳng định, một số dòng xe sang như Audi A6, A8 và Q5 là các sản phẩm bị dính cáo buộc lần này. Giới quan sát nhìn nhận trường hợp cáo buộc tại Mỹ có thể sẽ tạo tiền đề cho những quy định chặt chẽ hơn về khí thải ở châu Âu.

Tại Đức, Volkswagen không vi phạm luật pháp vì các nước châu Âu chỉ liệt kê oxit nitơ vào dạng khí thải bị cấm, chứ không phải CO2. Tuy nhiên, lúc này Volkswagen vẫn phải chịu áp lực từ những ý kiến cho rằng lãnh đạo của họ đã cố tình giấu nhẹm vụ điều tra từ Mỹ, một dấu hiệu khác cho thấy họ đang lừa dân châu Âu.

Đầu tư cho tương lai

Không rõ liệu còn bao nhiêu sản phẩm của Volkswagen nằm trong diện bị cáo buộc gian lận, khi hãng này bị phát hiện gian lận từ năm 2013, nhưng 2 năm sau mới bị phơi bày. Tuy nhiên, cách giải quyết của Volkswagen dường như là dẹp bỏ quá khứ.

Ngày 9/11, trang Teslarati cho biết, Volkswagen đã đồng ý chi 2 tỷ USD vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống sạc điện trong 10 năm tới, một phần trong thỏa thuận liên bang và tiểu bang sau vụ bê bối khí thải. Bản thân Volkswagen sẽ quyết định chi bao nhiêu và phân bổ ở nơi nào trong số tiền 500 triệu USD/mỗi 3 tháng ấy, nhưng một phần sẽ đến California, nơi tập trung nhiều sản phẩm xe điện.

Trong suốt vụ bê bối xe chạy dầu diesel kéo dài cả năm qua, Audi đã chọn cách tiếp tục lừa dối người tiêu dùng với một thiết bị gian lận cài đặt trong thậm chí nhiều phương tiện do họ sản xuất hơn nữa.

Nỗ lực của Volkswagen có thể tiếp thêm sinh khí cho các dòng xe điện. Trong khi chúng đang là xu hướng dẫn đầu các sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường, thậm chí những thương hiệu đình đám như Tesla cũng khó khăn trong việc cung cấp các trạm sạc.

Nissan cũng hoan nghênh thỏa thuận trên. Họ cho rằng tiền đầu tư của Volkswagen rất cần thiết cho cơ sở hạ tầng trạm sạc điện, nhất là những trạm sạc nhanh sẽ rất tốn kém. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Rocky Mountain, 1 tỷ USD sẽ trang trải chi phí lắp đặt cho 10.000 trạm sạc nhanh.

Đầu tháng 11/2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng dành cho trạm sạc ở Mỹ, tạo ra các trạm sạc trên 48 tuyến đường cao tốc liên bang, kéo dài gần 25.000 dặm qua 35 bang. Dự kiến, các trạm thu phí sẽ đặt cách nhau 50 dặm, nhưng đề xuất này cũng đòi hỏi các công ty như General Motors, BMW và Nissan phải chung tay.

Volkswagen cũng không phải hoàn toàn hào phóng với 2 tỷ USD. Tuy nhiên, hòa cùng xu hướng thời đại mới, hãng xe Đức ít nhất cũng được một công đôi việc: vừa tìm thấy lối thoát cho những bê bối từ xe dùng năng lượng truyền thống vừa mở ra một hướng đi mới cho tương lai.

Theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục