Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, người “bay ngược định kiến“

Niềm tin mãnh liệt vào sức sáng tạo, khả năng vượt khó của người Việt  đã giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo “bay ngược” với nhiều định kiến trong ngành hàng không, giúp Vietjet trở thành một thế lực mới tại thị trường hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

Bay ngược định kiến

Hàng trăm nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước đã dành những tràng vỗ tay không dứt sau phần trả lời của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và các cộng sự tại cuộc giới thiệu và cung cấp thông tin liên quan đến đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng hàng không tư nhân số 1 Việt Nam, được tổ chức tại TP.HCM hồi giữa tháng 12/2016.

Madam Thảo - như cách gọi thân quen của người Vietjet, lẽ dĩ nhiên nhận được những cái vỗ tay của các nhà đầu tư khó tính bằng phần trả lời đầy thuyết phục cho những câu hỏi xoáy, hóc hiểm, nhưng có không ít cái vỗ tay trong khán phòng đơn giản là để thể hiện sự ngưỡng mộ về những gì mà hãng hàng không trẻ trung này đã làm được trong những năm qua.

Trước đợt giới thiệu này, “người Vietjet” cũng đã tổ chức các đợt “trường chinh” thành công nhằm giới thiệu Vietjet và tiềm năng phát triển hàng không Việt với sự tham gia, hỗ trợ của các định chế tài chính hàng đầu như BNP Paribas, Deutsche Bank, JP Morgan tại thị trường tài chính quốc tế như London, Hồng Kông, Singapore, Pháp, Thái Lan.

Sự tự tin của người phụ nữ bay bé nhỏ trước câu hỏi được lặp lại nhiều nhất trong các đợt giới thiệu - Vietjet sở hữu những lợi thế gì - là có cơ sở nếu nhìn vào những chỉ số kinh doanh mà cánh bay này đang sở hữu.

Nhiều người ngăn chúng tôi đừng làm hàng không, nhưng lúc đó càng khó khăn chúng tôi càng quyết tâm làm.

Tính đến cuối tháng 6/2016, Vietjet chuyên chở tới 44% lượng khách nội địa; Vietjet có lãi chỉ sau 2 năm cất cánh; tỷ lệ chở đầy của Vietjet luôn đạt mức cao 88-89% trong 4 năm liên tiếp từ 2013-2016. Đây là điều gây ngạc nhiên, một hiện tượng thú vị đối với cả các chuyên gia hàng không trên thế giới.

Điều đặc biệt trong quá trình mở rộng thị phần của Viejet là không tập trung vào sự cạnh tranh về giá, mà là chủ yếu mở rộng thị phần nhờ khai phá những thị trường mới, thu hút nhiều hành khách mới.

Những con số không biết nói dối này mà Vietjet đạt được đã đập tan nhiều định kiến lâu năm trong lĩnh vực hàng không dân dụng: kinh doanh hàng không là “cối xay tiền”, chỉ có thể lãi sau 5 - 10 năm; hàng không luôn là thứ xa xỉ khó có thể phục vụ số đông.

Thuộc thế hệ doanh nhân 7x, người phụ nữ bé nhỏ trung thành với mái tóc dài thường búi cao này đã tạo dựng uy tín trên thị trường bằng tham vọng, sự tự tin và quan trọng hơn cả là năng lực chiến lược và điều hành vượt trội nhiều doanh nhân cùng thế hệ.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, người “bay ngược định kiến“ ảnh 1

“Vietjet mang định hướng một hãng hàng không quốc tế và toàn cầu, khi nhìn vào những con số và chỉ số về khai thác, các chỉ số an toàn, chỉ số dịch vụ như là độ tin cậy kỹ thuật, những chỉ tiêu liên quan đến giờ bay, liên quan đến một ghế cho hành khách... thì Vietjet thuộc nhóm đầu thế giới. Cho nên, tôi rất tự tin chinh phục bầu trời quốc tế”, Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.

Sự thành công của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet trong những năm gần đây gắn liền với hình ảnh của nữ tướng Nguyễn Thị Phương Thảo, người đang là niềm cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều doanh nhân trẻ Việt Nam.

Mô hình mới

“Vietjet đã dừng lại một nhịp để nghiên cứu kỹ hơn và chuẩn bị cho mình một con đường riêng. Con đường riêng đó bắt đầu từ việc từ bỏ mô hình hàng không 5 sao sang mô hình hàng không thế hệ mới, hành khách được tự chọn dịch vụ thay vì kèm tất cả vào giá vé. Xu hướng này giúp cho hành khách có nhiều lựa chọn, tiết kiệm chi phí”, bà Thảo cho biết.

Việc lựa chọn được mô hình đúng chính là bước khởi đầu thành công của một hãng hàng không. Trong lúc Indochina Airlines “chết yểu” sau 1 năm bay èo uột, Air Mekong cầm cự được 2 năm thì Vietjet ngay năm đầu tiên đã lọt vào Top 5 đường bay mới khai trương thành công nhất thế giới. Năm thứ 2, hãng này công bố lãi và năm thứ ba là hãng hàng không tư nhân đầu tiên có đường bay quốc tế, thành lập liên doanh ở nước ngoài.

Cần phải nói thêm rằng, trước khi bước vào làm hàng không - lĩnh vực kinh doanh đầy thách thức và tiềm ẩn rủi ro, bà Thảo đã là một triệu phú đích thực.

Hơn 20 năm trên thương trường, bà Thảo được giới đầu tư biết tới với nhiều thương vụ đình đám trên thị trường, người sáng lập và quản trị những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên ở Việt Nam.

“Nhiều người ngăn chúng tôi đừng làm hàng không, nhưng lúc đó càng khó khăn chúng tôi càng quyết tâm làm. Một phần tôi tin vào chính sách đổi mới, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, phần muốn chứng minh rằng, người Việt có thể làm hàng không tốt, có thể cạnh tranh được với thế giới”, CEO Vietjet tâm sự.

Được biết, mô hình hàng không do bà Thảo kiến tạo và đang theo đuổi là một mô hình “lai” giữa giá rẻ và truyền thống. Nhiều người gọi đó là “hàng không thế hệ mới”. Cụ thể, Vietjet được quản trị theo mô hình quản lý chi phí vận hành khai thác sao cho tối ưu, trong đó gồm chi phí tàu bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật và chi phí về nhân lực, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí về con người.

“Tôi nghĩ vì hàng không hơi gây chú ý, nên mọi người tập trung vào nó và thấy rằng Vietjet tăng trưởng nhanh (so với các hãng khác). Nhưng thực tế, chúng tôi có 5 năm chuẩn bị đề án trước khi nhận giấy phép, gần 5 năm chuẩn bị cho cất cánh. Chặng đường 15 năm không phải là quá ngắn để xây dựng một hãng hàng không, tăng trưởng của nó đều nằm trong kế hoạch cả”, bà Thảo chia sẻ. 

Niềm cảm hứng Vietjet

Người phụ nữ nhỏ bé này không phải là mẫu doanh nhân nói suông, mà từng ngày, từng giờ nữ tướng tại Vietjet đang dốc sức cho mục tiêu đó. Ít người biết rằng, đằng sau dáng vẻ mảnh mai nhỏ bé đó là sức làm việc phi thường, một thỏi pin Energizer đích thực. Người Vietjet quá quen với căn phòng sáng đèn đến 2 - 3 sáng của nữ tổng giám đốc kể cả những ngày nghỉ lễ.

Bề ngoài, người ta thường thấy Madam Thảo nhẹ nhàng xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của Vietjet với tâm thế an nhiên, nhẹ nhõm, quan tâm từng chi tiết nhỏ từ lẵng hoa đặt cho đúng vị trí tới bản giới thiệu về khách mời. Không từ chối chụp ảnh chung với bất kỳ ai, nhất là nhân viên, cho dù đó là những nhân viên mà bà không biết họ đang ở vị trí nào trong hàng ngàn người lao động đang làm việc cho Vietjet.

Rất dễ gặp những “cảm hứng Vietjet, tình yêu Vietjet” trong môi trường làm việc của hãng hàng không này như kiểu của bà Thảo. Ở Vietjet, khái niệm “thân thiện” được định nghĩa một cách rất rõ ràng, đó là sự sẵn sàng lắng nghe, chân thành giúp đỡ, hỗ trợ khách hàng, đồng nghiệp như người thân trong gia đình.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, người “bay ngược định kiến“ ảnh 2

Những nhân viên bộ phận chăm sóc, bảo dưỡng máy bay vẫn truyền tai nhau câu chuyện cảm động đêm cuối năm, bà Thảo cùng Ban lãnh đạo Vietjet đi thị sát sân bay mùa cao điểm, để cảm nhận công việc thực tế trên tàu bay, đã tự tay cầm giẻ lau máy bay, lật từng chiếc ghế lên hút bụi, nhặt những sợi tóc nhỏ li ti giắt dưới sàn tàu.

Khi biết một nhân viên lớn tuổi không quản ngại ngày đêm, nhiều năm cần mẫn làm tốt công việc dọn vệ sinh bà gọi ngay bộ phận nhân sự yêu cầu tăng lương cho nhân viên này.

Ngoài sự cảm thông, chia sẻ, xây dựng một đội ngũ gắn kết, có trách nhiệm, biết chia sẻ, các  nhân viên Vietjet học được bà Thảo suy nghĩ tích cực, lạc quan ngay trong những giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp hay đơn giản là về định hướng tương lai của doanh nghiệp.

“Mục tiêu của chúng tôi là vận hành chi phí thì thấp, còn chất lượng thì high - class.  Khi đó sự cạnh tranh sẽ là động lực để hãng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng”, nữ tướng Nguyễn Thị Phương Thảo cam kết.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục