“Các quyết định trong tương lai của Hội đồng Quản trị sẽ đảm bảo rằng lãi suất chính sách của họ sẽ được đặt ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết”, ECB cho biết.
“Lạm phát cơ bản đã giảm hơn nữa. Tuy nhiên, áp lực giá cả trong nước vẫn tăng cao, chủ yếu do chi phí đơn vị lao động tăng mạnh”, ECB cho biết.
Các dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất của ngân hàng trung ương cho thấy GDP thực tế trung bình tăng 0,6% vào năm 2023, so với dự báo trước đó là 0,7%. Ngân hàng trung ương ước tính GDP sẽ tăng 0,8% vào năm 2024, từ mức 1% trước đó. Dự báo cho năm 2025 không thay đổi, tăng trưởng ở mức 1,5%.
Trong khi đó, lạm phát chung được dự báo ở mức trung bình 5,4% vào năm 2023, 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. Trước đó, cơ quan này đã dự báo mức lạm phát là 5,6% trong năm nay, 3,2% vào năm 2024, 2,1% vào năm 2025 và mức 1,9% vào năm 2026.
Lạm phát hàng năm của khu vực đồng Euro đã giảm từ 10,6% vào tháng 10/2022 xuống còn 2,4% trong tháng 11. Điều đó đã đặt mục tiêu 2% của ECB trong tầm tay, ngay cả khi các quan chức lưu ý mối đe dọa rằng áp lực tiền lương và biến động thị trường năng lượng sẽ gây ra sự hồi sinh tiềm tàng.
Bên cạnh đó, điều này cũng thúc đẩy kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất vào năm tới, khi một số nhà phân tích và thị trường đều cho rằng việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra trước mùa hè. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho đến nay vẫn khẳng định còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm, đồng thời cho biết các bộ dữ liệu quan trọng về tiền lương cần phải được theo dõi vào đầu năm tới.
Các động thái này phần nào phản ánh quyết định mới đây của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) về việc giữ lãi suất ổn định, làm dấy lên kỳ vọng về một chính sách tiền tệ ôn hòa hơn từ các ngân hàng trung ương lớn.