Phát biểu tại Berlin hôm thứ Ba (21/11), chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, trong khi các cú sốc về năng lượng và chuỗi cung ứng thúc đẩy giá cả hiện đang giảm bớt, thị trường lao động vẫn đang điều chỉnh và tiền lương đang tăng lên.
“Chúng tôi đã phải đối mặt với một cú sốc lạm phát lớn và chúng tôi đã thực hiện một sự điều chỉnh chính sách lớn để ứng phó. Tác động của sự điều chỉnh đó ngày càng được cảm nhận rõ ràng và áp lực lạm phát đang giảm bớt”, bà Christine Lagarde nói.
“Nhưng vẫn còn một hành trình phía trước chúng ta… Chính sách tiền tệ của chúng tôi đang trong giai đoạn cần chú ý đến các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến lạm phát - nhưng luôn tập trung chắc chắn vào nhiệm vụ ổn định giá cả”, bà Christine Lagarde nhấn mạnh thêm.
ECB đã tiếp tục duy trì lãi suất tiền gửi ở mức 4% vào tháng trước và các quan chức đã nhấn mạnh rằng họ sẽ phải duy trì ít nhất ở mức này trong một thời gian dài để kiểm soát lạm phát. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết, chi phí đi vay có thể sẽ giữ ổn định trong “vài quý tới”.
Các nhà đầu tư vẫn đang tập trung vào thời điểm đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra, và phần lớn kỳ vọng động thái đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong tháng 4/2024. Thống đốc ngân hàng trung ương Bỉ Pierre Wunsch cảnh báo rằng, những kỳ vọng như vậy có thể khiến ECB tăng lãi suất nếu chúng làm suy yếu lập trường chính sách của tổ chức này.
Mặc dù lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm xuống còn 2,9% nhưng được dự đoán sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do sự biến động trên thị trường năng lượng. Tiền lương cũng được xem là rủi ro chính có thể khiến áp lực giá tăng cao khi thị trường lao động vẫn kiên cường trước sự yếu kém của nền kinh tế nói chung.
“Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tăng nhẹ trở lại trong những tháng tới, chủ yếu do một số tác động cơ bản. Điều này phản ánh sự sụt giảm đáng kể về chi phí năng lượng được quan sát vào đầu năm ngoái và sự đảo ngược của một số biện pháp tài chính đã được đưa ra để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng”, bà Christine Lagarde cho biết.
Phát biểu tại sự kiện tương tự, Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “kỷ luật chính sách tài khóa” để giúp giảm lạm phát. Ông cũng ca ngợi sự tập trung của ECB vào việc giảm áp lực giá cả, gợi lại “tác động tai hại” của siêu lạm phát ở Đức vào những năm 1920 khi thu nhập của nhiều người “không đủ tiền mua bánh mì”.