Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực nền kinh tế, ngày 3/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất tiếp tục tạm hoãn quy định hạn chế chính phủ các nước thành viên chi tiêu công quá tay cho đến hết năm 2022.
EC đã đình chỉ các quy định trên cách đây một năm, thời điểm Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Điều này cho phép các nước sử dụng ngân sách để giải cứu nền kinh tế và giúp các công ty vượt qua đại dịch.
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho rằng dựa trên các dự báo hiện nay, EU nên tiếp tục việc đình chỉ các quy định cho đến năm 2022 và kích hoạt trở lại vào năm 2023, khi kinh tế các nước có thể trở về như trước khi khủng hoảng y tế bùng phát.
Đề xuất trên cần được các nước thành viên EU thông qua. Nhiều khả năng EC sẽ đối mặt với các chất vấn của một số nước thành viên như Hà Lan, Đan Mạch vốn quan ngại về vấn đề duy trì mạnh tay chi tiêu hơn cần thiết.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho rằng đại dịch COVID-19 đang tác động xấu đến kinh tế. Do đó, chính sách hỗ trợ tài chính vẫn cần được duy trì cho đến năm 2022.
Hiệp ước Ổn định và tăng trưởng quy định các nước thành viên EU phải giới hạn thâm hụt ngân sách ở mức 3% của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công ở mức 60% GDP.
Những nước vi phạm quy định này sẽ đối mặt với các án phạt, song cho đến nay vẫn chưa chính phủ nào phải chịu lệnh trừng phạt. Italy là một ví dụ điển hình khi có nợ công lên tới 155,6% GDP. Thay vào đó, hiệp ước trên nhằm trao thêm quyền cho EC và các nước thành viên để giúp họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu ngân sách.
Bên cạnh đó, EC cũng đề xuất một số cải cách cần thiết để các nước thành viên nhận được sự đồng thuận của EU.