Cân lại năng lực đường sắt
Điểm đáng chú ý nhất là, đường sắt Việt Nam đã được “xả” khá nhiều áp lực khi thị phần vận tải đảm nhận trong 5 năm tới chỉ bằng một nửa so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch Phát triển đường sắt được ban hành vào năm 2009.
Cụ thể, sau 5 năm nữa, ngành đường sắt chỉ phải “cố” đáp ứng 1 - 2% nhu cầu vận tải hành khách và 1 - 3% nhu cầu vận tải hàng hóa trong tổng khối lượng vận tải toàn ngành giao thông - vận tải; trong đó, vận tải hành khách đô thị bằng đường sắt đáp ứng 4 - 5% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.
“Cùng với việc đặt mục tiêu quá cao, tiến độ hàng loạt dự án hạ tầng đường sắt bị vỡ là lý do chính khiến hầu hết các mục tiêu, chương trình đề ra trong Quy hoạch Phát triển đường sắt ban hành năm 2009 không thể thực hiện được”, ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh việc giảm tải cho đường sắt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chốt lộ trình cải tạo tuyến đường sắt xuyên Việt hiện hữu và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng song song. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ chỉ nghiên cứu phương án xây dựng; đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng theo khả năng huy động vốn.
Như vậy, giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên số 1 của ngành vẫn là thực hiện nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài 1.726 km hiện có để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/giờ đối với tàu khách và 50 - 60 km/giờ với tàu hàng...
Trong giai đoạn này, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ chỉ nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
Đây là tiền đề để đến năm 2030, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 đến dưới 200 km/giờ), hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.
Tìm lối mở để hút vốn khủng
Theo tính toán của Cục Đường sắt Việt Nam, tổng nhu cầu vốn cho toàn ngành đường sắt đến năm 2020 cần 281.323 tỷ đồng, trong đó, riêng việc nâng tốc độ chạy tàu lên 80 - 90 km/giờ cho tàu khách, 50 - 60 km/giờ đối với tàu hàng và thỏa mãn năng lực vận tải lên tới 16 triệu lượt hành khách, 6 triệu tấn hàng/năm cho tuyến đường sắt Bắc - Nam cần 88.189 tỷ đồng (tương đương 4,1 tỷ USD).
Các nhóm giải pháp nâng cao tốc độ chạy tàu dự kiến triển khai trong giai đoạn này là cải tạo các “nút cổ chai” như Hòa Duyệt - Thanh Luyện; xây dựng hầm Khe Nét, hầm Hải Vân; di dời ga Đà Nẵng ra khỏi Thành phố; cải tạo lại bán kính đường cong nhỏ tại 91 điểm; nâng cấp đường cũ trên cơ sở giữ nguyên bình diện; nâng cấp, cải tạo cầu yếu để thống nhất tải trọng; hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu toàn tuyến…
“Chúng ta mới lo được 12.482 tỷ đồng (tương đương 580,5 triệu USD) cho một số dự án nâng cao năng lực đường sắt Bắc - Nam”, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.
Theo đề xuất của Cục Đường sắt Việt Nam, nguồn vốn thực hiện dự án nói trên dự kiến sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu, vốn ODA, áp dụng hình thức đầu tư xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) hoặc xây dựng - chuyển giao (BT) từ các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh, khai thác vận tải.
Trên thực tế, ngoài một số công trình hạ tầng lớn như xây hầm Khe Nét, Hải Vân sẽ tiếp tục trông cậy vào nguồn vốn ODA, trong đó ưu tiên là từ phía Nhật Bản; các hạng mục khác, như di dời ga Đà Nẵng ra khỏi Thành phố, mua sắm đoàn tàu, đầu tư nâng cấp các ga…, Bộ GTVT sẽ tiến hành huy động nguồn vốn tư nhân.
Hiện Dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội đô Thành phố đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, T&T.
“Nếu dự án này được triển khai thành công sẽ là lời giải hữu hiệu để giải quyết bài toán huy động vốn cho ngành đường sắt, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực tuyến đường sắt Bắc - Nam, cũng như một số tuyến đường trọng điểm khác”, một chuyên gia đánh giá.