Nóng Danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài tới 2020

Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020, vừa được Chính phủ ban hành, đã đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đó là theo ngành, chứ không theo địa bàn như trước.
Việt Nam kỳ vọng thu hút nhiều dự án tỷ USD trong những năm tới Việt Nam kỳ vọng thu hút nhiều dự án tỷ USD trong những năm tới

Sau 2 năm chuẩn bị, cuối cùng, Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 đã chính thức được Chính phủ ban hành, với 127 dự án và tổng vốn đầu tư cần kêu gọi lên tới gần 60 tỷ USD.

Đúng như kế hoạch ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Danh mục có cách tiếp cận theo ngành, chứ không phải theo địa phương như trước đây. Và cũng chỉ một số ngành được lựa chọn để tập trung thu hút đầu tư nước ngoài ở tầm quốc gia theo định hướng của Chính phủ trong giai đoạn tới. Đó là các ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nông nghiệp, bảo quản - chế biến và các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ.

Sự lựa chọn và chuyển hướng này được cho là hoàn toàn đúng đắn, bởi chiến lược phát triển ngành phải là ưu tiên số 1 trong thu hút đầu tư. “Xây dựng danh mục dự án quốc gia phải đứng trên lợi ích của quốc gia, của vùng, chứ không thể chỉ nhìn ở lợi ích cục bộ địa phương”, một chuyên gia bình luận.

Chia theo 5 lĩnh vực chính, nhưng trong từng lĩnh vực, chẳng hạn kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Danh mục được chia theo các phân ngành khác nhau, như giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển…

Giao thông chính là lĩnh vực được đề xuất nhiều dự án “khủng” nhất, với 25 dự án, trong đó có 11 dự án có quy mô đầu tư trên 1 tỷ USD. Lớn nhất trong số này là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, với vốn đầu tư 5,62 tỷ USD. Bên cạnh đó là các dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (3,52 tỷ USD); Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và Thanh Hóa - Nghi Sơn (1,867 tỷ USD); Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (5 tỷ USD); Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (2,3 tỷ USD)…

Ngoài ra, có thể kể một loạt dự án quy mô lớn khác mà Việt Nam muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, như Trung tâm Điện lực Bình Định (4 tỷ USD), Nhà máy Lọc dầu Nam Vân Phong (8 tỷ USD), Khu du lịch Dankia - Đà Lạt (2 tỷ USD), Tuyến đường sắt đô thị số 6 TP.HCM (1,25 tỷ USD)…

Tuy nhiên, trong Danh mục cũng có những dự án với vốn đầu tư chỉ vài triệu USD, như Khu dân cư và Trường đại học quốc tế Hóc Môn (TP.HCM, 3,5 triệu USD), Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 Cần Thơ (10,2 triệu USD), hay Dự án Trung tâm chế biến hạt giống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (6 triệu USD)…

Quy mô vốn được cho là không hẳn quan trọng, mà điều cần quan tâm hơn là các dự án được lựa chọn sẽ có tác động thế nào tới kinh tế - xã hội quốc gia nói chung, cũng như tới sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

“Cả 127 dự án đó, nếu thu hút đầu tư được sẽ mang lại lợi ích tốt cho kinh tế - xã hội, giải quyết được các điểm nghẽn của nền kinh tế liên quan đến hạ tầng cơ sở, giáo dục - đào tạo, và kể cả phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn… Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là liệu nhà đầu tư có lựa chọn các dự án này để đầu tư hay không”, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận đồng thời dẫn câu chuyện về việc danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đã từng nhiều lần được ban hành, nhưng giữa thực tế đầu tư và Danh mục đã tồn tại một sự khác biệt đáng kể.

Mặc dù vậy, theo ông Mại, khi Danh mục đã được ban hành, điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải xây dựng đề án cụ thể cho từng dự án, chính sách ưu đãi khi thu hút đầu tư vào các dự án này như thế nào để đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

“Kêu gọi dự án đầu tư phải dựa trên lợi ích của quốc gia và cả lợi ích của nhà đầu tư. Nếu không có lợi, không phù hợp với nhu cầu của họ, nhà đầu tư sẽ không vào”, ông Mại nói.

Một điểm đáng chú ý trong Danh mục 127 dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài lần này, bên cạnh các hình thức 100% vốn nước ngoài, liên doanh, thì hàng loạt dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), thậm chí cả vốn ODA. Tuy nhiên, điều này thực sự chỉ có ý nghĩa khi Việt Nam có một khung khổ pháp lý phù hợp và có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mô hình BOT chưa thực sự hút được vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới có khoảng 10 dự án BOT có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Còn vốn ODA, sẽ khó khăn hơn trong giai đoạn tới, do Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Trong khi đó, mô hình PPP vẫn đang trong quá trình thí điểm, hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, trong đó bao gồm cả các quy định liên quan đầu tư theo hình thức BOT. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành nghị định này. Dự thảo Nghị định hiện đã được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Nguyên Đức(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục