Đầu năm không ngại “rát mặt”
Đúng 9 giờ sáng ngày mùng 6 Tết Bính Thân, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - vận tải – GTVT), Tổng thầu EPC - Cục Đường sắt 6 Trung Quốc và các nhà thầu phụ đã có mặt tại ga Cát Linh để cùng ký cam kết vận hành thử, đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào ngày 31/12/2016.
“Đây là công trình hạ tầng lớn đầu tiên tại Thủ đô và của ngành GTVT trở lại nhịp độ thi công bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Theo bản giao ước thi đua vừa được ký kết, Tổng thầu EPC sẽ phải huy động tài chính, thiết bị để cơ bản hoàn thành hạng mục xây lắp và tiến hành lắp đặt, căn chỉnh hệ thống cơ, điện, thiết bị tại các ga: La Thành, Thái Hà, Láng, Vành đai 3, Bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Bến xe Yên Nghĩa trước ngày 22/7/2016. Các ga còn lại, gồm: Cát Linh sẽ phải hoàn thành trước ngày 15/9/2016; ga Đại học Quốc gia hoàn thành trước ngày 18/5/2016; Thanh Xuân 3 hoàn thành trước ngày 12/6/2016.
Đối với các công trình trên tuyến, tiến độ hoàn thành cũng sẽ được đẩy sớm hơn, trong đó dầm liên tục đổ tại chỗ hoàn thành trước ngày 20/6/2016; vận chuyển và lao lắp dầm hộp hoàn thành trước ngày 20/4/2016; rải ray hoàn thành toàn bộ trước ngày ngày 19/8/2016; mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị hoàn thành trước ngày 30/9/2016.
Sau nhiều lần phải gia hạn tiến độ, tuyến đường sắt đô thị này được đích thân Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT yêu cầu không lùi tiến độ thêm lần nữa.
“So với khối lượng công việc đã hoàn thành, mục tiêu này thực sự là một thử thách rất lớn, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành công trình vào cuối năm nay với chất lượng cao nhất”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã hoàn thành giải ngân đợt 26 cho các đơn vị thi công với tổng giá trị thực hiện ước đạt 222 triệu USD.
Để “chia lửa” với nhà thầu, ông Thành cho biết, chủ đầu tư luôn tạo điều kiện, giải quyết kịp thời các vướng mắc (nếu có) để giải ngân khối lượng đề nghị thanh toán của Tổng thầu.
Không ngại “dông” đầu năm, ngay trong buổi giao ban đầu năm tại công trường, ông Thành đã “quay” đại diện Tổng thầu về việc còn nợ các nhà thầu phụ hơn 100 tỷ đồng mà lẽ ra phải thanh toán trước Tết.
“Nếu không chuyển biến, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ GTVT mở tài khoản đặc biệt để có thể chi trả trực tiếp cho các đơn vị thi công”, ông Thành cảnh báo đại diện Tổng thầu.
Nhiều dự án tăng tốc
Mặc dù ra quân muộn hơn năm ngoái khi ngay từ sáng mùng 1 Tết Nguyên đán 2015, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng và các Thứ trưởng đã khai Xuân trên các công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 khi đó đang trong giai đoạn nước rút, nhưng trên nhiều công trường trọng điểm, nhịp thi công đã trở lại bình thường.
Tại Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sau lễ ra quân ngắn gọn được tổ chức vào ngày hôm nay 17/2 - tức 10 Tết Âm lịch), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) yêu cầu các nhà thầu quốc tế phải tăng tốc ngay nhằm tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi của mùa khô 2016.
Được biết, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140 km, quy mô 4 làn xe là công trình trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lên tới 1,472 tỷ USD được VEC đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2016 hiện đã hoàn thành 60% khối lượng.
“Đặc biệt, vào giữa tháng 7/2015, cầu Kỳ Lam thuộc Gói thầu xây lắp 3A (phần vốn JICA tài trợ) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) – Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) đã được hợp long, không chỉ đánh dấu việc gói thầu lớn đầu tiên trên tuyến được hoàn thành vượt tiến độ, mà còn là nguồn động viên, khích lệ to lớn cho các đơn vị thi công toàn Dự án”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.
Không chỉ các công trình nằm trong danh mục 66 dự án phải hoàn thành trong năm nay, công tác chuẩn bị đầu tư 74 công trình hạ tầng giao thông lớn khác cũng đang được các ban quản lý dự án, nhà đầu tư tăng tốc để sớm triển khai trên thực địa.
Đến thời điểm này, Dự án xây dựng cầu cạn - đường vành đai III TP. Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng vốn vay ODA Nhật Bản đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
“Với tiến độ hiện tại, Dự án sẽ được khởi công vào quý II/2016”, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị quản lý dự án cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, trong 74 các dự án khởi công mới, có 26 dự án BOT, trong đó có những dự án quy mô lớn như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Sapa; cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa; Sân bay Vân Đồn. Những dự án này hiện đều đã có nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư.
“Bộ GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, minh bạch, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra”, Thứ trưởng Trường khẳng định.