Đường đến đỉnh cao của tân Chủ tịch Fed - Janet Yellen

(ĐTCK) Ngày 6/1 vừa qua, sau khi được Tổng thống Obama đề cử, bà Janet Louise Yellen đã chính thức được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed), trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng trung ương 100 năm lịch sử này. Hãy cùng ĐTCK Tết điểm lại các cột mốc quan trọng trên con đường trở thành một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới của tân Chủ tịch Fed, để qua đó phần nào hiểu được tại sao bà lại được tín nhiệm trao cho trọng trách đầy thách thức này.
Đường đến đỉnh cao của tân Chủ tịch Fed - Janet Yellen

Nhà kinh tế trẻ tuổi

Sinh năm 1946 tại Brooklyn, New York, Mỹ, trong một gia đình Do Thái với bố là bác sĩ tại gia và mẹ là cựu giáo viên, Janet Louise Yellen từ nhỏ đã bộc lộ trí thông minh sáng láng và nhanh chóng tìm thấy niềm đam mê trong kinh tế học.

Năm 1963, Yellen tốt nghiệp Trường trung học Fort Hamilton với biệt danh “nhà nghiên cứu trẻ”. Trong năm đầu tại trường, cô nữ sinh Yellen đã được nhận tham gia vào một chương trình nghiên cứu của Đại học Columbia. Yellen cũng là một trong 29 sinh viên được nhận học bổng của Đại học Hoàng gia và của Thị trưởng Thành phố.

Nổi tiếng nhất trường, nhưng Yellen luôn tỏ ra khiêm tốn. Cô chia sẻ trên tờ báo của nhà trường mà chính mình làm tổng biên tập rằng, “tôi chỉ là hình vẽ nhỏ trên mặt bàn đầy sách và bút”.

Rời ghế học sinh, Yellen theo học Đại học Brown và sau khi tốt nghiệp sớm, cô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Yale, một trường danh tiếng của Mỹ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư kinh tế từng đạt giải Nobel, James Tobin. Năm 1971, ở tuổi 25, Yellen nhận bằng tiến sĩ của Đại học Yale.

Trong 6 năm sau đó, Yellen làm trợ giảng giáo sư tại Đại học Havard và cộng tác nghiên cứu với Hội đồng Thống đốc Fed, trước khi lập gia đình vào năm 1977. Chồng bà, Giáo sư George A. Akerlof, cũng là một nhà kinh tế cộng sự của Fed, người sau đó đồng nhận một giải thưởng Nobel. Hai người trở thành đối tác của nhau cả trong cuộc sống lẫn công việc.

Nhà dự báo tài ba

Năm 1996, Yellen là người đã đặt nền móng cho chính sách lạm phát mục tiêu 2% của Fed, đồng thời bảo vệ thành công quan điểm rằng, việc tìm cách tiêu diệt hoàn toàn lạm phát sẽ chỉ dẫn đến các tác hại nhiều hơn là tác dụng.

“Rất khiêu khích, nhưng tuyệt vời”, Alan S. Blinder, Phó chủ tịch Fed khi đó, nhớ về cách tiếp cận chính sách khác thường của bà Yellen.

Sau một thời gian cống hiến cho Fed, bà Yellen chuyển đến làm việc 3 năm (1997-1999) cho Tổng thống Bill Clinton trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế. Tại đây, bà đã lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ sự phân biệt giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Năm 2004, Yellen trở lại công tác tại Fed trong vai trò là Chủ tịch Quỹ ở San Francisco, chịu trách nhiệm trên một vùng gồm 9 bang miền Tây. 6 năm giữ cương vị này, bà đã gây được tín nhiệm qua việc nâng cao độ chính xác trong các nghiên cứu của Fed.

Một năm sau, Yellen trở thành một trong những nhà hoạch định chính sách liên bang đầu tiên mô tả hiện tượng giá nhà tăng như là bong bóng có thể phá hủy nền kinh tế. Sau đó, qua các dữ liệu về hoạt động xây dựng và tiêu dùng tư nhân, Yellen bắt đầu cảm nhận được những gì mình lo ngại đang chuyển thành sự thật.

Đến tháng 9/2007, bà Yellen chính thức cảnh báo và kêu gọi Fed hành động phủ đầu: “Cuộc khủng hoảng nhà ở và cho vay thế chấp đã bắt đầu đe dọa toàn bộ nền kinh tế. Chúng ta có thể chọn cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, nhưng như vậy là sai lầm và đầy nguy hiểm, bởi nó sẽ lấy đi của chúng ta cơ hội để ngăn chặn kịp thời các thảm họa có thể xảy ra”.

Bà Yellen chính thức được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Chủ tịch Fed từ 6/1/2014

Nỗ lực của Yellen không giúp được nước Mỹ tránh khỏi khủng hoảng và một lần nữa, bà lại là quan chức Fed đầu tiên nói nước Mỹ đã bước vào một cuộc suy thoái, vài tuần sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

Đầu năm 2009, trước lo ngại kinh tế Mỹ có thể lún sâu vào một thời kỳ đình đốn kéo dài, bà Yellen, người vừa được bầu luân phiên vào Ủy ban hoạch định chính sách của Fed, đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm mở rộng chương trình kích thích kinh tế của Chủ tịch Ben Bernanke.

“Tôi tin rằng, mức độ trầm trọng của các vấn đề kinh tế hiện tại đòi hỏi chúng ta phải sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để xử lý chúng”, Yellen khẳng định.

Fed làm theo những gì Yellen đề xuất, nhưng mức độ không đủ mạnh để có thể dập tắt hoàn toàn nguy cơ tái suy thoái. Lạm phát vẫn thấp xa mục tiêu 2% và tỷ lệ thất nghiệp luôn rình rập tăng trở lại.

Bước sang năm 2010, nguy cơ tái suy thoái lộ rõ hơn trong con mắt của nữ quan chức Fed, và trong một bài phát biểu, Yellen cảnh báo rằng, nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp tăng trở lại, với tăng trưởng việc làm chậm một cách đáng ngại và nền kinh tế không hoạt động hết tiềm năng cho đến năm 2013.

Chính sách gia sáng tạo

Tháng 4/2010, Yellen được bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Fed, quan chức cao cấp thứ hai tại Ngân hàng Trung ương. Từ đây, bà càng khẳng định mình không chỉ là một chính sách gia có lập trường kiên định mà còn uyển chuyển và sáng tạo.

“Tôi cam kết sẽ theo đuổi mục tiêu kép mà Quốc hội đã giao, bao gồm việc làm tối đa và ổn định giá cả”, bà Yellen nói sau khi được bổ nhiệm. “Tôi sẽ làm việc để đảm bảo rằng, chính sách là để kích thích tạo việc làm và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát”, Yellen nhắc lại sau đó 5 tháng.

Cuối năm 2010, đầu năm 2011, Fed bắt đầu thực hiện vòng nới lỏng định lượng lần hai với sự ủng hộ của hai lãnh đạo cao nhất, nhưng không phải quan chức nào cũng đồng thuận. Đối diện với hoài nghi về kế hoạch mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc, bà Yellen đã đưa ra một lý lẽ không thể bác bỏ: “Đó không phải là một đơn thuốc để chữa mọi bệnh, nhưng tôi tin nó sẽ phát huy tác dụng trong tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả”.

Tròn một năm sau đó, Fed lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về những mục tiêu dài hạn của mình, chính thức hóa cam kết duy trì lạm phát ở mức 2%/năm. Fed cũng nói sẽ cân bằng mục tiêu đó với việc giảm thiểu số người thất nghiệp. Bà Yellen chính là người chủ trì soạn thảo tuyên bố đó và xây dựng sự ủng hộ từ bên trong. Đây là bước hiện thực hóa tham vọng ấp ủ từ lâu của bà và ông Bernanke trong việc nâng tầm ảnh hưởng của chính sách, bằng cách nói rõ hơn cho công chúng hiểu về định hướng của Ngân hàng Trung ương.

Tiếp theo động thái định hướng thị trường bằng mục tiêu lạm phát 2%, tháng 11/2012, Fed đưa ra thông điệp định hướng thứ hai, gắn với chỉ tiêu thất nghiệp 6,5%. Theo đó, Ngân hàng sẽ giữ lãi suất ngắn hạn gần bằng 0% cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp về dưới mức này. Và người đứng đằng sau phương thức tiếp cận chính sách mới này tiếp tục là Phó chủ tịch Fed - Janet Yellen.

Và Tân Chủ tịch Fed

Nhãn quan kinh tế và chính sách sắc sảo của bà Yellen ngày càng được chứng tỏ qua thời gian, đặc biệt là giai đoạn trước, trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều đó đã bồi đắp cho bà sự tín nhiệm cao nhất vào vị trí kế nhiệm Chủ tịch Bernanke.

Và điều phải đến đã đến, tháng 10/2013, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố bổ nhiệm bà Yellen vào chức Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ. Ông Obama gọi bà là “một trong những nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách xuất sắc nhất  của nước Mỹ đương đại”.

Ngày 6/1/2014, Thượng viện Mỹ phê chuẩn quyết định bổ nhiệm của Tổng thống, đưa bà Yellen chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Mỹ, một cơ quan hoạch định chính sách không chỉ có ảnh hưởng nhất đối với nước Mỹ mà với cả nền kinh tế toàn cầu.

Trong vai trò Chủ tịch, bà Yellen sẽ đối diện với nhiệm vụ khó khăn là giám sát việc rút khỏi chương trình kích thích kinh tế chưa từng có của Fed. Khó khăn ở chỗ, nếu rút lui quá sớm thì có thể bỏ lại đằng sau một nền kinh tế còn chưa đủ sức để tự đứng lên, nhưng nếu rút chậm lại có thể giúp thổi phồng các bong bóng tài sản, thứ đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Quang Huy
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục