Ngành dược ảm đạm, Traphaco vẫn kinh doanh có lãi
CTCP Traphaco (mã chứng khoán TRA) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, tổ chức vào ngày 31/3/2022.
Báo cáo của công ty cho thấy, năm 2021, công ty đạt 2.160 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,2% so với năm trước và vượt 2,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 265 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm trước và vượt 10,5% kế hoạch đề ra.
Với kết quả đạt được, Traphaco trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt 30%. Nếu được thông qua, cổ đông Traphaco sẽ được nhận thêm 10% cổ tức tiền mặt nữa (công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 tỷ lệ 20% cho cổ đông).
Năm 2022, Traphaco đặt mục tiêu đạt 2.345 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 286 tỷ đồng, tăng 8% so với lợi nhuận đạt được năm 2021. Công ty cũng đặt kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 30% cho cổ đông.
Năm 2021, có hơn một nửa doanh nghiệp dược trên sàn chứng khoán sút giảm doanh thu, lợi nhuận. Tổng doanh thu của 14 công ty dược niêm yết trân sàn chứng khoán giảm 15% và lợi nhuận sau thuế tăng 1%.
Traphaco nằm trong nhóm doanh nghiệp dược tăng trưởng tốt nhất trên thị trường về doanh thu và lợi nhuận. Lãnh đạo công ty cho hay, đối phó với dịch bệnh, năm qua, khối kinh doanh và marketing đã phối hợp chặt chẽ, có nhiều chính sách, chương trình bán hàng linh hoạt, phù hợp với thời điểm, mùa vụ, bám sát tình hình dịch bệnh.
Ngoài ra, dự báo trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội trên diện rộng. Ban lãnh đạo công ty đã quyết định chính xác, kịp thời tăng cường sản xuất và vận chuyển hàng tới các tỉnh thành trước giãn cách, nhờ đó đáp ứng đủ hàng
Một nguyên nhân khiến doanh thu, lợi nhuận vượt trội so với công ty dược khác là do công ty này đã dự báo trước biến động thị trường nên đã linh hoạt trong nhập nguyên vật liệu trước khi có biến động về giá, nhờ vậy không phải gặp cú sốc về giá nguyên liệu như nhiều doanh nghiệp dược khác trên thị trường. Doanh số các sản phẩm chủ lực như Boganic, hoạt huyết dưỡng não tăng trưởng mạnh cũng mang về lợi nhuận lớn cho công ty.
Năm 2021, Traphaco tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, thay đổi cách thức quản lý khách hàng, thúc đẩy hoạt động marketing, phát triển các sản phẩm tân dược, phát triển sản phẩm phân phối, tăng cường đàm phán ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài (đặc biệt là Deawoong), quản lý các công ty con hiệu quả hơn.
Trong năm, Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên đạt 96% mục tiêu doanh thu, nhưng đạt 100% kế hoạch lợi nhuận, Công ty cổ phần Công nghệ cao Traphaco vượt 2,9% kế hoạch, lợi nhuận tăng 23,1% và vượt 6,3% kế hoạch năm. Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa cũng tăng trưởng 10% về doanh thu và 19% về lợi nhuận, vượt kế hoạch đề ra…
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, doanh nghiệp dược sẽ còn khó khăn
Mặc dù một số doanh nghiệp dược như Traphaco vẫn làm ăn có lãi, song đánh giá về động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành dược trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng, ngành này vẫn còn khó khăn.
Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn đối mặt với chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất dược phẩm bị đứt gãy, gián đoán do dịch bệnh, giá thành tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là thời điểm dịch bùng phát mạnh tại hai đất nước cung cấp chính nguồn nguyên liệu dược là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong báo cáo về ngành dược mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6,0% GDP và dự kiến sẽ đạt quy mô 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, do dân số già đi nhanh chóng.
Riêng về thị trường dược, thuốc không kê đơn dự kiến tỷ trọng ngày càng giảm trong thị trường dược phẩm. Các động lực cho kênh OTC trong những năm tới gồm việc Chính phủ khuyến khích đầu tư tư nhân vào kênh OTC, tiềm năng mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và yêu cầu hạn chế chi phí trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Các công ty niêm yết có tỷ trọng doanh thu từ thuốc OTC cao, như Dược Hậu Giang và Traphaco, sẽ được hưởng lợi từ tiềm năng của thuốc trên kênh OTC. Tuy nhiên, nhiều công ty đang thực hiện thay đổi chiến lược để thâm nhập sâu hơn vào kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) vì sự phát triển của thuốc kê đơn sẽ làm xói mòn thị phần của thuốc không kê đơn trên thị trường dược phẩm trong tương lai.
Ngược lại, thuốc kê đơn dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng doanh số dược phẩm. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (2020-2025) là 8%. Động lực của ngành dược trong dài hạn là sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng bảo hiểm y tế xã hội và nhân khẩu học cả nước.
Thuốc generic dự kiến sẽ là động lực chính cho thuốc kê đơn với giá trị dự kiến đạt 4,468 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 59,5% tổng doanh thu dược phẩm và 78% doanh số bán thuốc kê đơn. Để hưởng lợi từ sự phát triển tiềm năng của thuốc generic, các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua việc liên kết với các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển và sản xuất.
Các công ty niêm yết có nhà máy tuân thủ các tiêu chuẩn EU-GMP, PIC/S-GMP, Japan-GMP, như DHG, IMP, DBD, MKP, sẽ được hưởng lợi nhiều hơn các công ty khác.