Đừng vội mừng đón sóng FDI lớn từ xu hướng dịch chuyển sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Trần Toàn Thắng, trong bối cảnh hiện nay rất khó đánh giá tác động việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đại diện Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) TS. Trần Toàn Thắng tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Lê Quân Đại diện Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) TS. Trần Toàn Thắng tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Lê Quân

Dù Việt Nam có lợi thế đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF), cho rằng không nên quá phấn khích với chuyện hưởng lợi thu hút FDI từ việc định hình lại chuỗi cung ứng và dòng đầu tư trên thế giới.

Tại Hội thảo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 và triển vọng phục hồi của nền kinh tế diễn ra sáng nay 23/7 tại Hà Nội, TS. Trần Toàn Thắng nhận định, FDI vào Việt Nam sẽ tăng nhưng không tăng quá nhanh, dù có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc bởi Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn để giữ chân doanh nghiệp.

Trong khi đó, khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam vẫn còn hạn chế. FDI vào Việt Nam tăng tương đối nhanh trong giai đoạn 2016-2017 từ 25 tỷ lên 35 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng mức giải ngân thực tế chỉ tăng 1-2 tỷ USD/năm.

Điều thấy cho thấy khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam còn hạn chế do những điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn cung trong nước, chất lượng lao động. Đặc biệt, Covid-19 đã chỉ ra một thực tế rằng nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi rất nhiều chuyên gia nước không thể nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam do dịch bệnh.

“Chính vì chất lượng lao động còn thấp đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam”, ông Thắng nhấn mạnh.

Do đó, khả năng để Việt Nam cạnh tranh thu hút FDI với Trung Quốc là rất khó. Thay vào đó, Việt Nam cần tận dụng tốt “chiến lược Trung Quốc + 1” đã hình thành trước đó và xem đây là hướng đi phù hợp cho thu hút FDI.

Theo ông Thắng, việc định hình lại chuỗi cung ứng và dòng chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay biến đổi theo 4 xu hướng khác nhau, gồm: chuyển sản xuất về gần, đa dạng hóa, khu vực hóa và nhân rộng chuỗi cung ứng.

Các xu hướng này khiến các chuỗi cung ứng trở nên ngắn hơn, phân bổ theo địa lý nhiều hơn. Trong đó, FDI có thể chảy ngược về các quốc gia rót FDI, đây là yếu tố sẽ khiến chuỗi cung ứng ngắn lại.

Đừng vội mừng đón sóng FDI lớn từ xu hướng dịch chuyển sản xuất ảnh 1

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đánh giá, dịch Covid-19 trên toàn cầu tàn phá nặng nề đến kinh tế - xã hội, thậm chí về mặt chính trị, an ninh quốc phòng. Khó khăn trước mắt do Covid-19 còn rất lớn nếu chiểu theo các dự báo kinh tế thế giới.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện trước khi Covid-19 ập đến… nhưng vẫn gắn với những lợi thế so sánh về lao động, vị trí địa lý, kết nối hạ tầng. Quá trình này đã xuất hiện những biến chuyển mới, gồm dịch chuyển theo hướng dịch vụ kết nối và outsourcing (thuê ngoài), đề cao vai trò của nhân lực chất lượng cao và chuyên gia.

Ngoài ra, TS. Võ Trí Thành cho rằng một nhân tố mới nữa là Covid-19 làm tăng dịch chuyển các mặt hàng chiến lược không đơn thuần vì lợi ích kinh tế nữa mà gắn với câu chuyện chất lượng, địa chính trị và lòng tin giữa các quốc gia.

Bên cạnh việc chuẩn bị các yếu tố truyền thống như mặt bằng sạch, lao động có tay nghề, đảm bảo hạ tầng, thể chế tốt, chính sách ưu đãi thích hợp để đón FDI, chúng ta đừng quá hồ hởi nghĩ rằng có thể đón được sóng FDI lớn từ việc dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, bởi Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn về thị trường và lao động.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục